Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tạm dừng công bố TCVN 1607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm để tiếp tục xin ý kiến hoàn thiện. Mặc dù rất vui, nhưng các nhà thùng nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa thực sự an tâm, lo ngại nghề truyền thống của mình trước nguy cơ mất đi “hồn cốt”. Hầu hết nhà thùng nước mắm Phú Quốc đều mong muốn xây dựng cho nước mắm truyền thống bộ tiêu chuẩn riêng.
Trên cả nước, hiện có khá nhiều làng nghề truyền thống nước mắm mang đặc tính, đặc trưng của từng vùng, miền về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng đảo Phú Quốc, nghề sản xuất nước mắm truyền thống có bề dày lịch sử hơn 200 năm với sản phẩm nổi tiếng “Nước mắm Phú Quốc”, không ngừng phát triển. Nước mắm Phú Quốc không những có giá trị về cốt cách văn hoá của cư dân đảo ngọc mà còn là sản phẩm du lịch đặc trưng của biển đảo quê hương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, nghề chế biến nước mắm ở đảo Phú Quốc hình thành, phát triển hơn 2 thế kỷ qua, đã được công nhận nghề và làng nghề truyền thống. Hơn 50 nhà thùng hiện nay sản xuất khoảng 25 - 30 triệu lít/năm từ 20 - 43 độ đạm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Năm 2001, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm truyền thống Phú Quốc. Năm 2012, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được Ủy ban châu Âu cấp quy chế bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Đây là sản phẩm đầu tiên từ Việt Nam được châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý đã tạo điều kiện cho nước mắm Phú Quốc vươn ra thế giới những năm qua.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc chia sẻ, nước mắm Phú Quốc có những tính chất rất đặc trưng mà những vùng, miền khác không có được do nguyên liệu sản xuất nước mắm chỉ có cá cơm và muối theo tỷ lệ đã quy định 3 cá + 1 muối. Thêm nữa, vùng biển khai thác cá cơm, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đảo Phú Quốc cũng là những yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nước mắm. Tất cả nhà thùng nước mắm Phú Quốc đều sản xuất chế biến theo quy trình truyền thống với các công đoạn thủ công, từ khâu đánh bắt sơ chế nguyên liệu trên biển đến việc ủ chượp cá cơm trong những thùng gỗ lớn. Thời gian 12 - 15 tháng mới cho ra nước mắm ngon Phú Quốc nổi tiếng không thể lẫn lộn vào bất cứ sản phẩm cùng loại nào khác.
Theo các nhà thùng nước mắm Phú Quốc “dự thảo” của bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 không có một điều khoản nào liên quan đến nước mắm truyền thống. Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh, chủ nhà thùng nước mắm Kim Hoa (Phú Quốc) cho hay, bộ tiêu chuẩn TCVN 1607:2019 áp dụng đối với các loại “nước chấm”, “nước mắm công nghiệp” thì thích hợp hơn, nhưng không phù hợp với quy trình làm nước mắm truyền thống. Hơn nữa, nước chấm và nước mắm truyền thống hoàn toàn khác nhau, quy trình sản xuất chế biến không giống nhau nên không thể đánh đồng, nhập chung làm một giữa nước chấm và nước mắm truyền thống.
Các thành viên Hội Nước mắm Phú Quốc yêu cầu ngành chức năng cần phân biệt rõ 2 khái niệm “nước chấm” và “nước mắm truyền thống”. Nếu xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm truyền thống thì nên lấy ý kiến thực tế của các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng trên cả nước để xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng, không thể áp dụng chung bộ tiêu chuẩn đối với nước chấm hay mắm công nghiệp.
Mặt khác, phương pháp, quy trình sản xuất nước mắm ở mỗi vùng, miền khác nhau về nguyên liệu đầu vào, điều kiện khí hậu và mang đặc trưng riêng của từng địa phương... Nếu xây dựng bộ tiêu chuẩn, cần khảo sát thật kỹ từng vùng, miền, địa phương để giúp người sản xuất hướng đến những sản phẩm đã tốt thì càng tốt hơn, chất lượng hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà sản xuất.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc khẳng định: Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm du lịch của địa phương, đồng thời cũng là sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu, sản phẩm có giá trị vô hình của nét văn hóa vùng miền, là thương hiệu quốc gia mà tất cả doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc đang giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của đặc sản này, giữ vững chữ tín với khách hàng, an toàn khi sử dụng. Nước mắm Phú Quốc truyền thống là danh dự.
Vì vậy, theo bà Liên, cần hợp thức hóa tên gọi nước mắm truyền thống, không nhập nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước chấm hay nước mắm công nghiệp. Cần thiết thì có tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống và tiêu chuẩn cho nước chấm, không thể đưa ra tiêu chuẩn chung cho hai loại sản phẩm như vậy, rất không ổn và bất cập.”
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc chia sẻ: “Tháng 7/2013, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Uỷ ban châu Âu cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nếu dự thảo TCVN 1607:2019 được ban hành thì chứng nhận này không còn ý nghĩa gì".