Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy 1.440 con lợn với trọng lượng hơn 25.000 kg.
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lây lan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Theo đó, tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ như tạm dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn (vùng có dịch) trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đươc tiêu hủy trên địa bàn.
Đối với việc giết mổ lợn, chỉ cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vùng có dịch (cấp xã, huyện, tỉnh); thịt và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng có dịch theo công bố của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện; việc giết mổ phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ lợn, xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, hoạt động không được phép…
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng yêu cầu đối với trang trại quy mô lớn, nhiều ô chuồng, dãy chuồng phải xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn trong ô chuồng có lợn bệnh; tiếp tục theo dõi, giám sát các ô chuồng khác, nếu có lợn biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì thực hiện ngay việc tiêu hủy mà không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm; các ô chuồng không có lợn bệnh có thể tiếp tục nuôi hoặc giết mổ, tiêu thụ tại chỗ.
Theo ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh, hiện các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Sơn La đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm khống chế, kiểm soát dịch bệnh lây lan. Đối với việc tổ chức tiêu hủy, chôn lấp lợn, sản phẩm của lợn mắc dịch và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường bị dịch bệnh được hỗ trợ giá theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban Nhân dân huyện thành lập ban thẩm định giá để kịp thời chi trả tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy với mức hỗ trợ tại thời điểm tiêu hủy bằng 80% giá thị trường đối với lợn thịt, lợn con và gấp 1,5 lần đối với lợn nái, lợn giống đang khai thác.