Sau khi hai hộ gia đình ở hai xã trên xuất lợn chết bất thường sau ốm, cơ quan chức năng của huyện đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và kết quả xác định dương tính với dịch tả lợn Châu phi. Địa phương đã thực hiện tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số lợn nhiễm bệnh và tổ chức rắc vôi bột, phun hóa chất quanh khu chăn nuôi của người dân.
Hiện nay, huyện Sìn Hồ đã thành lập 5 chốt chặn kiểm soát dịch tại các tuyến đường vào huyện, phun hóa chất khử trùng tất cả các phương tiện ra vào và nghiêm cấm việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn. Riêng hai xã Căn Co và Noong Hẻo, chính quyền huyện Sìn Hồ cũng thành lập các tổ công tác di động về các bản xuất hiện dịch, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, huyện có tổng đàn lợn hơn 30.000 con và 100% số lợn trên được bà con chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Riêng hai xã phát hiện dịch hiện có khoảng 6.000 con lợn. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, toàn bộ lực lượng chức năng và lãnh đạo huyện đã có mặt tại địa bàn hai xã Noong Hẻo và Căn Co để chỉ đạo công tác phòng, chống. Đặc biệt, các lực lượng phụ trách các bản nghiêm cấm việc giết mổ lợn, thường xuyên tổ chức phun hóa chất đối với tất cả các phương tiện ra vào địa bàn.
Sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 3 xã thuộc hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã có công văn chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương đảm bảo máy móc, thiết bị, vật tư hóa chất, đưa các chốt kiểm dịch động vật vào hoạt động; quán triệt nâng cao trách nhiệm đối với các cán bộ được phân công trực tại các chốt; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; huy động hệ thống chính trị vào cuộc; chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để thực hiện công tác phòng, chống và kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn...
Trước đó, ngày 19/3, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Thèn Sin, huyện Tam Đường với 117 con lợn đã bị tiêu hủy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn tập quán chăn nuôi lợn thả rông của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.