Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, đến ngày 26/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 11 hộ ở 8 xã, 3 huyện gồm: Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, tổng số lợn bị ốm, chết phải tiêu hủy gần 500 con, trọng lượng 22.743 kg.
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.
Đối với các địa phương đã có dịch phải tổ chức công bố dịch trên địa bàn, tiến hành xử lý ổ dịch và khu vực xung quanh theo quy định nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Người chăn nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, không giấu dịch, áp dụng các hình thức chăn nuôi an toàn.
Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông của tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn trên địa bàn. Các địa phương, nhất là những nơi đã có dịch lập chốt kiểm dịch không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn, khử trùng các phương tiện giao thông qua chốt.
Tại hội nghị triển khai phòng,chống dịch bệnh động vật trên cạn trên địa bàn tỉnh thời gian tới do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức ngày 28/3, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, hiện tỉnh Bến Tre không xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, năm 2019, tỉnh quyết định dành kinh phí 4,9 tỷ đồng cho phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thời gian qua, Bến Tre chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin, thành lập các chốt kiểm dịch và chuẩn bị vật tư, hóa chất để xử lý các ổ dịch bệnh khi xảy ra.
Đến nay, tỉnh đã lập 8 chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn ở cấp tỉnh và cấp huyện. Các chốt (tổ chức trực 24/24) được thành lập thực hiện kiểm soát và tiêu độc khử trùng 100% xe vận chuyển gia súc nhập tỉnh, đi ngang qua tỉnh. Qua nửa tháng hoạt động, các chốt kiểm dịch đã chặn kiểm tra hơn 1.100 phương tiện chở lợn ra vào nội tỉnh với hơn 40.000 con. Qua kiểm tra, ngành chức năng chưa phát hiện phương tiện nào vận chuyển lợn nhiễm bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 62 hộ chăn nuôi ở 37 thôn thuộc 10 quận, huyện bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh dịch được phát hiện tại 10 quận, huyện gồm: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Thạch Thất. Huyện Thạch Thất là địa phương vừa mới phát hiện có dịch vào ngày hôm qua (26/3) tại hai gia đình ông Nguyễn Vĩnh Cường và ông Phùng Khắc Khánh.
Thông kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm hiện tại trên toàn địa bàn 10 quận, huyện đã có tổng số đàn lợn là 1.500 con, tương đương khoảng 9.000 tấn thịt đã được chức năng thành phố tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai đầy đủ kịp thời chỉ đạo của trung ương, thành phố và Văn bản số 1710-TB/TU ngày 15/3/2019 của Thành ủy Hà Nội về việc thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy đối với công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND thành phố theo quy định…