Đồng thời liên hệ với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn địa phương để phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền vận động nhân dân chặt tỉa cây cối; gia cố các biển quảng cáo; chằng chống mái tole nhà, xưởng, công trình có nguy cơ đổ, ngã, tốc mái bay vào lưới điện gây sự cố cho lưới điện khi có giông lốc.
Bên cạnh đó, kiểm tra các tuyến đường dây 110 kV nằm trong vùng trũng ngập lụt, vượt sông để cảnh báo người dân sinh hoạt bên dưới khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện do nước lũ, triều cường dâng cao làm thay đổi cao độ của các tuyến đường dây đó. Đồng thời, phát hiện kịp thời các nguy cơ sạt lở móng trụ, bờ kè, taluy để gia cố, khắc phục.
Tại Cà Mau, hiện Công ty Điện lực Cà Mau đã cung cấp máy phát dự phòng tại các điểm xung yếu theo yêu cầu của UBND tỉnh; trực 24/24h tại tất cả các điểm thuộc Công ty, các tuyến lưới điện xung yếu trên địa bàn; tăng cường gia cố các móng trụ tại các cửa biển. Bên cạnh đó, tổ chức cho người dân tại các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nặng nhất của hai huyện U Minh và Năm Căn vào các trụ sở của Điện lực để trú ẩn an toàn.
Đối với tỉnh Trà Vinh, Công ty Điện lực Trà Vinh đã tổ chức kiểm tra tại 4 Điện lực trọng điểm bao gồm các tuyến lưới điện xung yếu; máy phát điện dự phòng; phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị chuẩn bị vật tư thiết bị dự phòng; lương thực thực phẩm.
Tại tất cả các điện lực ở Bến Tre đều đã kiểm tra, phát quang hành lang an toàn lưới điện; Kiểm tra hệ thống lưới điện, đặc biệt tại các cửa biển của hai huyện Ba Tri và Bình Đại; Thành lập 5 tổ công tác trực tiếp đến hiện trường các điểm ảnh hưởng trực tiếp của cơ bão để ứng phó khi bão vào.
Tại tỉnh Kiên Giang, từ ngày 23/12 đến nay, Công ty Điện lực Kiên Giang đã tổ chức các nhóm công tác đến trực tiếp hiện trường các điểm xung yếu tại 3 huyện Gò Quao, An Biên và An Minh do đây sẽ là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Riêng 2 xã đảo Lại Sơn, Hòn Tre và huyện Phú Quốc chuẩn bị sẵn sàng các phương án khắc phục hậu quả sau khi khi bão xảy ra.