Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 16

Rạng sáng 25/12, bão số 16 sau khi ảnh hưởng trực tiếp đã vượt qua khỏi huyện đảo Trường Sa.

Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh trước và trong bão nên tại các đảo ở huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ và người dân được đảm bảo an toàn. Các lực lượng Hải quân đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân sống trên các đảo cũng như ngư dân vào tránh trú bão; trong đó có nhiều tàu cá và ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu đã được đưa lên đảo, bố trí nơi tránh trú an toàn và được chăm sóc y tế, cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.

Đến khoảng 9 giờ ngày 25/12, tại khu vực huyện đảo Trường Sa, gió đã giảm xuống cấp 5 - 6, sóng biển giảm xuống, cao từ 2 đến 3 mét, mưa đã tạnh.

Tại Cà Mau, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tính đến 8 giờ ngày 25/12, tỉnh đã di dời được gần 2.000 người  trong tổng số gần 62.440 người dự kiến di dời vào nơi tránh, trú bão an toàn. Trong đó, huyện Thới Bình di dời 45/12.681 người, huyện Ngọc Hiển di dời 113 người, huyện Phú Tân di dời 1.635/8.949 người, huyện Trần Văn Thời di dời 115/8.707 người. Ngoài ra, các huyện U Minh dự kiến di dời  trên 7.710 người,  huyện Năm Căn dự kiến di dời trên 10.300 người, huyện Cái Nước dự kiến di dời trên 13.570 người.

Ghe tàu tại các cửa biển Cà Mau đã được ghe vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị khá tốt kế hoạch, phương án di dời dân đến các điểm trường học, cơ quan... để tránh, trú bão số 16. Tuy nhiên, từ số liệu ban đầu cho thấy, tỷ lệ di dời dân tại các địa phương trong toàn tỉnh còn thấp,  mới chỉ đạt hơn 3%.

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, chính quyền các địa phương liên tục tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực nguy hiểm vào nơi tránh bão an toàn trước khi bão số 16 đổ bộ vào tỉnh Cà Mau. Song một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, không thực hiện việc chằng chống nhà cửa chắc chắn, chưa đồng ý di dời tránh bão.

Trước thực trạng này, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, trong trường hợp khẩn cấp có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau chỉ đạo các UBND các huyện, thành phố huy động lực lượng, đẩy  mạnh các các hình thức tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của cơn bão; đồng thời triển khai tốt công tác di dời dân ở vùng ven biển, vùng nguy hiểm vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Khẩn trương thu hoạch lúa

Sáng 25/12, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức cuộc họp khẩn với các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục triển khai công tác ứng phó với bão số 16.

Theo báo cáo của Thường trực Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tính đến 10 giờ ngày 25/12, Bạc Liêu đã sơ tán, di dời được hơn 382 nghìn dân, đạt hơn 76%. Dự kiến đến 12 giờ cùng ngày, tỉnh sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân đến nơi ở an toàn tránh bão. Bạc Liêu đang huy động nguồn lực và cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống, ứng phó bão số 16. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các lực lượng, hộ dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tôm, lúa "chạy" bão; huy động nguồn lực giúp dân chằng néo nhà cửa, ao đầm, đê kè, công trình, trụ sở… nhằm hạn chế thiệt hại do bão.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện mưa nhẹ, kèm theo gió, không khí lạnh tràn về nên công tác sơ tán, di dân gặp một số khó khăn. Ngành Y tế tỉnh chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các điểm trú bão tập trung. Theo các địa phương, nếu bão đổ bộ vào đất liền, kéo dài nhiều giờ, cộng với nước biển dâng, mưa lớn, việc sơ tán, việc di dân sẽ gặp khó khăn, bởi phần lớn các điểm, khu vực di dân ven biển đường giao thông nhỏ hẹp, trong khi đường thủy không đảm bảo, thiếu phương tiện, do đó khi đường bộ bị ngập nước, sạt lở, giao thông sẽ ách tắc. Trong khi đó, số lượng dân sơ tán đến thời điểm này tăng mạnh so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

Ông Lương Ngọc Lân, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện tại Bạc Liêu còn hơn 76.000 ha lúa chưa thu hoạch, đặc biệt còn hơn 20.000 ha lúa đến thời kỳ thu hoạch và hơn 28.000 ha lúa đang làm đòng, trổ bông có nhiều nguy cơ bị thiệt hại nặng nếu bão đổ bộ. Ngoài ra, tỉnh còn hơn 70.000 ha tôm đang thời kỳ thu hoạch, hơn 600 bè nuôi hào; 152 tàu thuyền ở ngoài khơi, ngư dân trên các tàu đã giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn.

         
Tại buổi họp, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; tiếp tục triển khai công tác ứng phó, di dân theo kế hoạch. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đảm bảo lực lượng, hỗ trợ phương tiện ứng phó theo kế hoạch và ứng phó đột xuất, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ vào tỉnh, tuyệt đối không để bị động.

Cũng trong sáng 25/12, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện mưa trên diện rộng và ngày càng nặng hạt. Tỉnh Bình Phước là một trong những địa bàn được dự báo chịu ảnh hưởng do cơn bão số 16 và có thể gây mưa lớn trên diện rộng, tác động tiêu cực đến nhiều hồ đập thủy lợi, các vùng nuôi trồng thủy sản và lồng bè trên các hồ, sông suối. Đặc biệt, ba công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng và hệ thống công trình thủy lợi hồ Phước Hòa.

Sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm yêu cầu các huyện, thị thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp huy động mọi nguồn lực phòng, chống cơn bão; tổ chức sơ tán, di dời người dân đến nơn an toàn.

Tại Bình Phước, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã đề nghị các lực lượng vũ trang phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, trợ giúp người dân sống các vùng gần đập hồ thủy điện, người dân nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ.

Theo báo cáo mới nhất, các huyện đông dân cư sinh sống trên lòng hồ Cần Đơn, Thác Mơ đã tổ chức giúp dân gia cố lồng bè nuôi cá và giúp dân tránh trú mưa bão an toàn. Hiện tại, 100% hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, hồ đã thực hiện gia cố, tổ chức di dời lồng, bè nuôi hải sản để đề phòng mưa lũ xảy ra.

TTXVN/Báo Tin tức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bão Tembin đặc biệt nguy hiểm, cảnh giác bão lớn kèm triều cường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bão Tembin đặc biệt nguy hiểm, cảnh giác bão lớn kèm triều cường

Chiều 24/12, tại Hà Nội, chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 16 (Tembin), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bão Tembin đặc biệt nguy hiểm, cần cảnh giác bão lớn kèm triều cường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN