Sức hút từ du lịch trải nghiệm
Những ngày này, các nhà vườn trồng nho Làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) luôn tất bật với việc đón tiếp hàng đoàn khách du lịch từ khắp nơi đổ về tham quan. Chị Trần Thị Lan ở Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng cho biết, tới vườn chị thấy mê luôn với những vườn nho đỏ trĩu quả, không gian thoáng mát, trong lành, thích nhất là được tự tay cắt những chùm nho chín và chụp hình cùng bạn bè; đặc biệt chủ vườn không thu phí tham quan và rất nhiệt tình tiếp đón.
Chị Phạm Thị Dung (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, gia đình có 4.000 sào (4.000 m2) trồng bốn giống nho gồm nho đỏ Red Cardinal, nho hồng NH 01-152, nho xanh NH 01-48 và nho kẹo NH 01-26 để phục vụ du khách vào tham quan, chụp hình và thưởng thức các sản phẩm nho tươi, ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô, siro nho, rượu vang nho, nước ép nho,... ngay tại vườn.
“Để giữ được vườn nho luôn đẹp, có những chùm trái căng mọng, đều trái, gia đình áp dụng biện pháp canh tác theo hướng VietGAP, hạn chế tối đa sử dụng phân, thuốc hóa học giúp cây phát triển tốt, năng suất cao. Dù nho được giá nhưng nhưng gia đình không thu hoạch hết mà giữ lại một phần diện tích để đón khách vào tham quan trong dịp Lễ hội Nho và Vang của tỉnh tổ chức vào giữa tháng 6 tới đây”, chị Dung chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, nhằm tạo điểm nhấn cho dòng nho ăn tươi chất lượng cao của Ninh Thuận, tỉnh đang giao cho hợp tác xã trồng nhân rộng giống nho mới NH01-152 với diện tích gần 20 ha tại làng nho Thái An. Nhờ đáp ứng các tiêu chí sản xuất, sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 của hợp tác được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
"Cùng với sản phẩm nho NH01-152, hợp tác xã còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm nho sấy không đường, nho hồng sấy, nho đỏ, mật nho, rượu nho, táo sấy, mứt rau câu hồng vân. Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm khi tới du lịch tại Làng nho Thái An", ông Phòng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, mô hình du lịch sinh thái tham quan vườn nho, trang trại nho trên địa bàn đang có bước phát triển mạnh tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn. Mô hình này góp phần làm đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm vẻ đẹp của quê hương, con người Ninh Thuận.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan vườn nho, ngành du lịch đã phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các hộ về kỹ năng đón tiếp khách, cách bố trí sắp xếp các loại hình dịch vụ, đồng thời lắp đặt biển báo dọc các tuyến đường để hướng dẫn du khách tham quan. Các nhà vườn đầu tư bảng hiệu, bãi đậu xe đến chỉnh trang khu vực phục vụ để xây dựng vườn nho thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Tạo đòn bẩy phát triển bền vững
Theo kế hoạch, đến năm 2025 tỉnh Ninh Thuận phát triển diện tích trồng nho lên khoảng 1.770 ha, sản lượng đạt 44,16 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.070 ha (chiếm khoảng 60% tổng diện tích nho của tỉnh) với sản lượng khoảng 27,9 nghìn tấn. Đến năm 2030, nâng diện tích trồng nho lên 2.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt 51,3 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt 1.520 ha (chiếm khoảng 76% tổng diện tích nho của tỉnh) với sản lượng đạt 40,3 nghìn tấn.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, ban hành các chính sách tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nói chung và cây nho nói riêng như chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường nâng cao năng lực cho hợp tác xã, các tổ hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nho, hình thành liên kết từ sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nghiên cứu, khảo nghiệm các giống nho mới có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất.
Để đạt các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận tăng cường phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất nho phù hợp với thực tế về đất đai và khu vực trồng, đảm bảo khai thác tốt tiềm năng của những vùng đất thích hợp với cây nho. Các Viện, cơ quan, trung tâm giống cây trồng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nho theo hướng an toàn, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường, quy trình chăm sóc, bảo vệ thực vật đối với các giống nho khác nhau. Xây dựng các mô hình trình diễn trồng nho theo hướng VietGAP, hữu cơ sinh học, phòng trừ dịch hại tổng hợp để nhân rộng ra sản xuất.
Song song với đó, tỉnh Ninh Thuận khuyến khích phát triển các vườn nhân giống chất lượng tại các đơn vị, trang trại, các câu lạc bộ khuyến nông trên địa bàn để vừa cung cấp giống tốt với giá cả hợp lý, vừa là nơi để tham quan học tập nhằm giúp nông dân trồng nho nắm bắt thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, thời gian tới để nâng cao giá trị sản phẩm nho, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho người trồng nho liên kết với các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, sản xuất các sản phẩm mới chế biến từ quả nho tươi, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nho Ninh Thuận trên thị trường, tỉnh tiếp tục phát triển Chỉ dẫn địa lý “nho Ninh Thuận”, dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu. Đưa các sản phẩm nho vào chuỗi phát triển du lịch và hệ thống siêu thị. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nho tham gia các chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các triển lãm, hội chợ kết nối thị trường.