Đây là mô hình do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận chuyển giao kỹ thuật và Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Duyên Hải hỗ trợ nông dân thực hiện thử nghiệm trên vùng đất thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô ở Trà Vinh.
Theo ông Trần Lập Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mà đơn vị chuyển giao kỹ thuật trồng nho ăn tươi. Cây nho thích nghi với những vùng đất thịt pha cát, cao ráo. Giống nho xanh được trồng thử nghiệm là NH01-48 có nguồn gốc nhập từ Thái Lan, hiện được trồng khá nhiều ở Ninh Thuận.
Huyện Duyên Hải có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa và mang tính đặc thù của vùng đồng bằng ven biển tương tự như Ninh Thuận nên cây nho sinh trưởng khá tốt, cho năng suất và chất lượng quả cao, độ ngọt đảm bảo 16 độ brix, tương đương ở Ninh Thuận.
Đặc biệt, cây nho thích nghi với phân bón hữu cơ hơn phân bón hóa học. Bởi bón phân hữu cơ sẽ giữ được độ phì nhiêu của đất trong suốt vòng đời 10 năm của cây nho, năng suất và chất lượng quả ổn định. Vì vậy, nông dân có thể tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, giảm đáng kể chi phí phân bón trong bối cảnh giá phân bón hóa học luôn ở mức cao thời gian qua.
Mô hình thử nghiệm trồng nho theo hướng an toàn được triển khai từ tháng 11/2020 trên diện tích 3.000 m2 tại hộ ông Lâm Nhật Thanh, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, với tổng kinh phí hơn 266 triệu đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 146 triệu đồng, hộ nông dân đối ứng gần 120 triệu đồng.
Tham gia mô hình, ông Thanh được hỗ trợ 600 cây giống, thiết bị làm giàn nho, hệ thống tưới tiết kiệm nước và hướng dẫn quy trình sản xuất… Kết quả, tháng 4/2022, vườn nho cho thu hoạch vụ đầu tiên, năng suất đạt 1,2 tấn/1.000m2. Với giá bán 100.000 đồng/kg tại vườn, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thanh lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Thanh còn có nguồn thu nhập từ việc nhân cây nho giống để bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/cây.
Ông Lâm Nhật Thanh, chủ vườn nho cho biết, gia đình ông có hơn 3 ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng do ảnh hưởng nước mặn xâm nhập vào mùa khô nên năng suất lúa ở vùng đất này rất thấp, chỉ khoảng 4 tấn/ha/vụ.
Vì vậy, khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi mô hình trồng nho kết hợp du lịch, gia đình ông đồng ý ngay. Từ lúc trồng đến khi cây nho leo giàn tạo nhánh mất 1 năm, sau đó 4 tháng nho cho thu hoạch vụ đầu tiên và đều đặn 4 tháng thu hoạch 1 lần.
Do đây là mô hình khá mới mẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long nên vườn nho thu hút rất nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Hơn nửa tháng mở cửa, mỗi ngày vườn nho của gia đình ông Thanh đón hàng trăm lượt khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm và mua nho mang về.
Ông Đặng Văn Khương, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Duyên Hải cho biết, việc thực hiện mô hình nhằm giúp cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương tiếp cận và nắm bắt được quy trình trồng nho cho trái theo hướng an toàn, bởi đây là cây trồng khá mới mẻ ở vùng đất Trà Vinh. Qua đó, góp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng an toàn trên địa bàn.
Theo đánh giá bước đầu, cây nho thích nghi điều kiện thổ nhưỡng địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nho theo hướng an toàn cho 30 nông dân tại địa phương.
Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những những vùng đất nhiễm mặn vào mùa khô hoặc ở những địa phương trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho an toàn. Cùng với đó, huyện Duyên Hải sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu nho tươi an toàn và truy xuất nguồn gốc để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mô hình trồng nho theo hướng an toàn của huyện Duyên Hải thành công mở thêm một hướng đi mới cho nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những địa phương trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.