Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này qua hai bài viết với chủ đề “Nâng cao chất lượng và thương hiệu nho Ninh Thuận”.
Bài 1: Cây trồng chủ lực
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có trên 1.000 ha trồng nho, tập trung nhiều ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000 - 28.000 tấn nho tươi. Tuy chỉ chiếm khoảng 3 - 3,5% diện tích đất gieo trồng nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất hàng năm từ cây nho chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt, trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Còn nhiều thách thức
Theo đánh giá, diện tích trồng nho tương đối lớn nhưng chất lượng không đồng đều, trong cơ cấu giống sản xuất, Ninh Thuận hiện có 3 giống nho ăn tươi chính gồm: giống nho đỏ Red Cardinal (chiếm 63,36%); giống nho xanh NH01-48 (chiếm 30,76%); giống nho mới NH01-152 (chiếm 1,9%), giống nho rượu Syrah (chiếm 2,75%), còn lại là các giống nho khác chiếm 1,23% diện tích nho toàn tỉnh.
Để gia tăng giá trị kinh tế, những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng các mô hình trồng nho an toàn, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất và bảo quản sản phẩm. Tính đến nay, diện tích cây nho ứng dụng công nghệ cao chiếm 31% tổng diện tích trồng nho của tỉnh, trong đó diện tích trồng nho ứng dụng tưới tự động và bán tự động gần 345 ha; nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gần 214 ha; nho trồng trong nhà màng tưới tự động gần 5 ha.
Dù có những bước tiến phát triển song việc sản xuất nho hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như: quy mô sản xuất nho của các hộ dân đa phần nhỏ lẻ chỉ từ 0,3 - 3 ha/hộ, thiếu sự liên kết, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, bón phân hóa học không cân đối, thu hoạch không đúng thời gian nên chất lượng nho không cao. Ngoài ra, chi phí đầu tư cao, dịch bệnh phát triển, năng suất bấp bênh, chuỗi hệ thống sản xuất và phân phối còn nhiều khó khăn và phức tạp đã làm cho cây nho và các sản phẩm từ nho chưa phát triển xứng tầm.
Anh Nguyễn Đức Tùng (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho hay, thời gian qua tình hình biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường khiến người trồng nho gặp không ít khó khăn. Nếu mưa nhiều thì cây nho bị nhiễm bệnh rất nặng, đặc biệt là bệnh mốc sương và bệnh thán thư, tốn nhiều chi phí phòng trừ bệnh hại. Đáng lo nhất là khi gặp một trận mưa lớn nho chín bị nứt vỏ dẫn đến thối và rụng, chùm nho bị biến dạng, chất lượng giảm, giá bán thấp.
Chưa kể, việc tìm đầu ra cho sản phẩm khiến người trồng nho phải rất cân nhắc, hiện nay các chủ vườn tại Ninh Thuận chủ yếu bán mão cho thương lái toàn bộ sản phẩm trong vườn với một giá ấn định. Các chủ vườn được đặt cọc trước tiền nhưng cách thu mua này khiến người nông dân thường bị ép giá. Một số chủ vườn khác chọn cách phân loại nho trước rồi bán rút theo kilogam cho thương lái. Tuy nhiên, giá thu mua này lại tùy thuộc vào chất lượng được phân loại, chưa kể nho chín để lâu tốn công chăm sóc, còn lại là nho thứ phẩm được bán lại cho các cơ sở chế biến rượu, mật, mứt với giá thành rẻ hơn.
Nho Ninh Thuận dù được thị trường trong nước biết đến nhiều hơn nhưng vẫn đang thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm nho ăn tươi cùng loại nhập khẩu cả về chất lượng lẫn hình thức, sản phẩm chế biến từ nho cũng chưa thật sự đa dạng. Nho Ninh Thuận hiện chủ yếu đưa vào chợ sỉ, rất ít doanh nghiệp của địa phương xây dựng được thương hiệu, dán nhãn truy xuất nguồn gốc và có kênh phân phối sản phẩm riêng. Ngoài ra, tâm lý người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các loại nho nhập khẩu có xuất xứ rõ ràng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng, nho có kích cỡ đồng đều, vị ngọt, bao bì đẹp chịu được va đập, bảo quản tốt bằng hệ thống lạnh của nhà nhập khẩu và nhà bán sỉ nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển đường dài.
Tăng sức cạnh tranh sản phẩm
Thời gian qua, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã và đang triển khai nhiều dự án xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng các giống nho mới, kiểm tra và chứng nhận các quy trình, kỹ thuật trồng nho an toàn, nghiên cứu các chế phẩm từ quả nho để tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết, thời gian qua Viện được UBND tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ lưu giữ 210 mẫu giống nho tại vườn tập đoàn quỹ gen với các mục đích khai thác sử dụng khác nhau, gồm: nho ăn tươi, nho rượu, nho không hạt (sấy khô), nho chuyên làm gốc ghép và nho lấy lá.
Nổi bật trong chương trình nghiên cứu các giống nho mới là Viện đã chọn lọc được giống nho NH 01-152. Giống nho này có nhiều ưu điểm vượt trội như quả to, trọng lượng chùm dao động từ 500 đến 800 gram, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải; nho có vị thơm nhẹ đặc trưng, khi chín trái có màu đỏ vang rất đẹp. Tùy theo chế độ canh tác, giống nho mới này cho năng suất thu hoạch bình quân 12 - 16 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 18 - 20 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm.
Vừa qua, Viện đã hoàn thành thủ tục tự công bố giống nho NH01-152 theo hướng dẫn tại Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ và chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận. Giống nho NH01-152 đang được chuyển giao cho các hộ dân, hợp tác xã trồng nhân rộng để thay thế cho một số giống nho cũ đã thoái hóa, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho nho Ninh Thuận với một số dòng nho nhập khẩu hiện nay. Nhờ ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng, màu sắc, sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 được các thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với giống nho đỏ Red Cardinal và cao gấp 2 - 3 lần so với nho xanh NH01-48.
Ông Phan Công Kiên cho biết thêm, bên cạnh giống nho NH01-152, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cũng đã tuyển chọn thành công giống nho ăn tươi không hạt NH04-102 (còn gọi là nho Ngón tay đen), chuyển giao cho người dân trồng thử nghiệm. Điểm nổi bật của giống nho này là khi chín chuyển sang màu tím đen rất bắt mắt, thịt quả chắc giòn nhẹ, không hạt, vị ngọt đậm. Cuống quả đóng chặt, ít rụng nên rất thuận lợi khi bảo quản và vận chuyển. Ngoài mục đích dùng cho ăn tươi thì nho NH04-102 có thể làm nho sấy khô. Giống nho này được kỳ vọng sẽ nâng cao thế cạnh tranh với các sản phẩm nho nhập khẩu trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, một số trang trại, hộ nông dân trên địa bàn cũng đang trồng thử nghiệm các giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: Nho sữa, mẫu đơn (NH01-212), nho kẹo (NH01-26), nho Hạ đen (NH04-195), giống nho đỏ mới (NH01-16),... Các sản phẩm bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường.
Cùng với phát triển giống nho ăn tươi mới, tỉnh Ninh Thuận cũng chú trọng nghiên cứu các giống nho sản xuất rượu mới, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng các giống nho sản xuất rượu vang đỏ như: nho NH02-90 (nho Syrah), nho NH02-97 và giống nho sản xuất vang trắng NH02-37 để nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến rượu vang. Từ đó, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của rượu vang sản xuất trong nước so với sản phẩm rượu vang nhập nội.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua từ các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả nho sau thu hoạch, dây chuyền sấy nông sản, xây dựng mô hình sản xuất vang, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ nho tươi như: mứt nho, rượu nho, vang nho, mật nho, si rô nho, nho sấy, ô mai nho,.. Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản phẩm đa dạng của khách hàng.
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đề ra kế hoạch phát triển diện tích trồng nho lên 1.115 ha, sản lượng thu hoạch 27.652 tấn nho tươi cung cấp cho thị trường. Cùng với phát triển các giống nho ăn tươi mới chất lượng, tỉnh tiếp tục mở rộng các vùng trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng nho liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, sản xuất nho theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch sinh thái tham quan vườn nho để quảng bá các sản phẩm nho chất lượng cao của địa phương.
Bài cuối: Tạo sức hút thương hiệu