Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei vào cái gọi là "Danh sách thực thể". Theo đó, các bộ phận và linh kiện công nghệ cao của Mỹ sẽ không được bán cho những đối tượng nằm trong danh sách trên mà không có giấy phép đặc biệt của chính phủ.
Phát biểu trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nêu rõ: "Để thực hiện chỉ thị của Tổng thống Donald Trump sau Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Bộ Thương mại sẽ cấp giấy phép trong trường hợp không có mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Trong những ranh giới đó, chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo rằng không chuyển doanh thu từ Mỹ sang các công ty nước ngoài."
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ross cũng khẳng định Huawei sẽ vẫn nằm trong "Danh sách thực thể" trên, có nghĩa thông báo trên không thay đổi phạm vi những sản phẩm đòi hỏi phải có giấy phép cũng như yêu cầu khắt khe của giới chức Mỹ.
Cụ thể, Washington yêu cầu của các công ty muốn xin cấp giấy phép bán hàng cho Huawei hay cho bất kỳ thực thể nào bị liệt vào danh sách trên đều phải trải qua một quá trình đánh giá nghiêm ngặt và có thể phải chấp nhận bị từ chối. Tuy nhiên, ông Ross cho biết đã "mở cửa" cho một số phê duyệt.
Tháng trước, trong một động thái nhằm "xoa dịu" và "hồi sinh" các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã tuyên bố các công ty Mỹ sẽ được phép bán linh kiện cho Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Thông báo của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ liệt Huawei vào danh sách trên.
Mặc dù chưa thể đánh giá tuyên bố của ông Trump có thể hiện một sự thay đổi về lập trường của Mỹ đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc hay không, song các thị trường tài chính coi đây là một tín hiệu tích cực cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump để ngỏ khả năng thảo luận vấn đề Huawei khi các quan chức hai nước nối lại các cuộc đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Ross thiếu sự rõ ràng và phần nào phủ bóng đen lên những hy vọng sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Luật sư Doug Jacobson cho rằng "chính sách thực sự, về những gì sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ, là không rõ ràng".
Theo ông, cách duy nhất để ngành công nghiệp đó có thể xác định ranh giới đó là nộp đơn xin giấy phép và biết mặt hàng nào sẽ được chấp thuận và loại nào không. Trong khi đó, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhận định việc Chính phủ Mỹ nới lỏng các hạn chế đối với Huawei có thể chỉ giúp hãng công nghệ này trong một khoảng thời gian nhất định.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Sau khi Huawei bị đưa vào "Danh sách thực thể", ngành sản xuất chip đã vận động Chính phủ Mỹ để được cho phép bán các mặt hàng không nhạy cảm mà Huawei có thể dễ dàng mua ở nơi khác, cho rằng một lệnh cấm toàn diện sẽ gây hại cho các công ty Mỹ.