Vấn đề không chỉ nằm ở việc người dùng phải mang hai chiếc điện thoại khác nhau mà việc có hai mạng lưới và công nghệ không tương tác với nhau sẽ gây lãng phí nguồn lực gấp đôi - vốn không có lợi cho nền kinh tế thế giới.
Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn lời nhà kinh tế Selena Ling, thuộc Ngân hàng OCBC, có trụ sở ở Singapore, coi lệnh cấm Huawei giống như "con bài mặc cả" mà Tổng thống Mỹ sử dụng để đạt được thỏa thuận trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Huawei là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu như những lo ngại thực sự của các nhà lập pháp và hoạch định chính sách tại Mỹ thì sẽ không có giải pháp nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Dù sau cuộc gặp ngày 30/6 vừa qua với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố các công ty nước này sẽ tiếp tục kinh doanh trở lại với Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, nhưng hiện vẫn chưa rõ cam kết này sẽ được thực hiện như thế nào khi công ty đặt trụ sở ở Thâm Quyến này vẫn nằm trong danh sách các thực thể bị cấm của Bộ Thương mại Mỹ.