Mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp thực phẩm

Ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và tiềm năng trong khu vực nhờ vào thu nhập cùng xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng cải thiện, thị trường từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến thịt gà tại nhà máy của Công ty C.P Việt Nam ở KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh (tư liệu) minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Thông tin này được ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh tại Toạ đàm Chính sách trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến Thương mại- Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Nông thuỷ sản, Thực phẩm và Phân phối Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức.

Theo ông Vũ Bá Phú, với dân số đạt gần 100 triệu người; trong đó, tỷ lệ dân số dưới 35 tuổi chiếm khoảng 50%, các sản phẩm chủ lực đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu và giá trị sản phẩm công nghiệp ở Việt Nam gồm: rượu, bia, nước giải khát; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột; sản xuất thuốc lá...

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện đạt khoảng 5.083 doanh nghiệp, tăng 83,8% so với năm 2019. Đây là con số tích cực sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19. 

Bên cạnh việc thúc đẩy phối hợp giữa các hiệp hội ngành công nghiệp thực phẩm hai nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi thông qua sự hỗ trợ và đi đến hợp tác kinh doanh với các tập đoàn lớn như Lotte Mart, E - Mart, Home Plus, CJ nhằm tạo cơ hội bán hàng và hiện diện thương hiệu tại siêu thị và trung tâm thương mại Hàn Quốc như Coupang, Gmarket… từng bước thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc. 

Tại toạ đàm, ông Vũ Bá Phú cũng chỉ ra rằng, trong vòng 5 năm qua, lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam tăng trung bình lần lượt 9,68% và 6,66%, trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Cùng đó, ngành rau củ và trái cây chế biến chiếm 24,7% tăng trưởng doanh thu của ngành và tiếp tục dự kiến tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất nhờ vào hoạt động xuất khẩu và lượng tiêu dùng nội địa, số liệu nổi bật là lợi nhuận ngành này đã chứng kiến sự tăng trưởng gần 205%. Các loại trái cây chủ lực và thu hút khách hàng gồm xoài, chuối, thanh long, cam, dứa. 

Đặc biệt, công nghiệp thực phẩm cũng là một trong các ngành công nghiệp chủ lực được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2035, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội.

Đối với ngành thực phẩm hai nước, các thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc tập trung sản phẩm và dịch vụ qua việc quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương rất thành công.

Đơn cử như rượu Soju vị trái cây, phù hợp với khẩu vị của người Việt vào mùa hè, hay hương vị đã tồn tại lâu dài và có thương hiệu với người Việt đến từ O’Star là bánh Choco Pie cũng không ngừng phát triển và gia tăng thị phần. 

Ngược lại, sản phẩm nổi bật tại thị trường Hàn Quốc có nguồn gốc Việt Nam đó là bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu và là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh mực chế biến làm sạch đông lạnh và mực sushi đông lạnh cũng thu hút khẩu vị người tiêu dùng Hàn. Ngoài ra, đến hiện tại 4 hiệp định thương mại đã được ký kết có sự hiện diện của hai quốc gia cũng góp phần thúc đẩy đáng kể hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Hàn Quốc và ngược lại.

Đó là Hiệp định Tự do Thương mại Asean - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Đại diện Kotra khẳng định, sau 30 năm hợp tác quy mô thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt gấp tăng trưởng 161 lần so với năm 1992. Hiện nay, Hàn Quốc đang là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với quy mô 79,2 tỷ USD trong hơn 9300 dự án trên nhiều lĩnh vực. 

Đáng chú ý, việc mở rộng thương mại giữa hai nước cũng như gia tăng xuất khẩu của Việt Nam lại đi cùng quỹ đạo với việc mở rộng, thâm nhập vào thị trường Việt Nam của các công ty Hàn Quốc.

Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành quốc gia trọng điểm và các công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc thu mua nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam để gia công và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tương tự, hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy hải sản của Việt Nam và Hàn Quốc đang cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Hàn Quốc đã mở cửa mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp dựa trên FTA giữa Hàn Quốc và ASEAN cũng như FTA Việt Nam- Hàn Quốc. Kết quả của quá trình tự do hoá này đã khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 4 về nhập khẩu nông lâm thuỷ hải sản của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Australia.

Chia sẻ về cơ hội và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, ông Paul Le, Phó Chủ tịch - Ban dự án Xúc tiến thương mại Central Retail Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc cần nắm bắt cơ hội nhập khẩu bởi Việt Nam có nhiều thực phẩm không có ở Hàn Quốc, đồng thời mang về một số kinh nghiệm quý báu từ Việt Nam. Một trong số những nhà bán lẻ đã làm rất tốt khi nhập khẩu phở bò và phở gà ăn liền sang Hàn Quốc….

Ông Paul Le nhấn mạnh sẽ xem xét tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc bằng cách chia sẻ chuyên môn sản xuất, đồng thời củng cố và tăng cường hoạt động kinh doanh chế biến, cũng như khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh. 

Bởi Việt Nam đang có một lượng lớn nguyên liệu thô và Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu mang lại giá trị gia tăng qua việc chế biến. Hơn nữa, ngành công nghiệp của Hàn Quốc rất tiên tiến về quy trình và năng suất nên việc mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam một số kỹ năng bổ sung sẽ là cầu nối để mở rộng quan hệ kinh doanh.

Theo bà Phạm Thị Đào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tỉnh hiện có nhiều sản phẩm đặc sắc, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như vải thiều Thanh Hà, gạo nếp cái Hoa Vàng, gà đồi Chí Linh, bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, sứ Hải Dương, gốm Chu Đậu...

Thống kê cho thấy, Hải Dương hiện có 134 dự án đầu tư của Hàn Quốc, với tổng đầu tư  đăng ký 1.398 triệu USD. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, đứng thứ nhất về số lượng dự án và đứng thứ 3 về số vốn đầu tư trong các quốc gia đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có dự án đầu tư của Hàn Quốc nào đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tinh.

Bà Phạm Thị Đào cho hay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 12.043 cơ sở chế biến nông sản; trong đó, có 205 doanh nghiệp, hợp tác xã; 11.838 hộ cá thể tham gia hoạt động chế biến nông sản.

Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu hiện nay là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ chiếm 98% cơ sở sản xuất, sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến ít, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển chế biến, chưa hình thành rộng khắp sản xuất -  chế biến – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên sản xuất thiếu ổn định và hiệu quả thấp.

Mặt khác, nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến chưa chủ động, còn thiếu và không ổn định, trên địa bàn chỉ cung cấp được từ 30-35% nguyên liệu cho chế biến (rau, củ, quả, thịt đông lạnh xuất khẩu), có hoạt động chế biến phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoài tỉnh và nhập khẩu (chế biến thức ăn chăn nuôi)…

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, nhiều cơ sở thiếu vốn đầu tư tái sản xuất mở rộng, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, bà Phạm Thị Đào đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tập trung, tích tụ đất đai đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; có cơ chế chính sách khả thi hơn để các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các ngành hàng. 

Đặc biệt, cơ quan xúc tiến thương mại - Đầu tư Hà Quốc giới thiệu doanh nghiệp lớn, uy tín đầu tư tại Hải Dương nhà máy chế biến hàng nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hoặc đầu tư sản xuất trực tiếp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để làm hạt nhân lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn.

Uyên Hương (TTXVN)
Để ngành công nghiệp thực phẩm tiếp cận thị trường bền vững
Để ngành công nghiệp thực phẩm tiếp cận thị trường bền vững

Ngày 16/11, tại chuỗi hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đã có những bước chuyển mình tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN