Chung lưng đấu cật
Được xem là thủ phủ của cây thanh long, những ngày tháng 4 dưới cái nắng chói chang, nhà nông tỉnh Bình Thuận vẫn tất bật chăm sóc vườn thanh long đang oằn trái. Tại huyện Hàm Thuận Nam, địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh (hơn 11.000 ha) bà con đang bắt đầu tập làm quen với phương thức làm ăn và kỹ thuật canh tác mới. Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp huyện, người trồng thanh long đã tham gia hơn 200 tổ, nhóm thu hút gần 4.000 hộ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xã Hàm Minh, Hàm Thạnh... Các tổ đều có ban chỉ đạo, thành viên tổ tư vấn VietGAP hướng dẫn bà con đăng ký mới, tuyên truyền những kỹ thuật theo dõi như: ghi chép nhật ký, thực hành trồng thanh long theo tiêu chuẩn để được chứng nhận...
Vào HTX, hơn 40 ha thanh long của gia đình anh Võ Đình Chinh ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác hiện đại giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. |
"Chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nam Thuận Việt quy tụ khoảng 10 trang trại có quy mô trên địa bàn với tổng diện tích ban đầu hơn 200 ha. Khi vào HTX, các thành viên sẽ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc thanh long tiên tiến nhất, cũng như thống nhất giá bán hợp lý, hạn chế tình trạng mạnh ai nấy làm để cho thương lái tha hồ ép giá", anh Từ Tấn Thời, đại diện HTX Nam Thuận Việt cho hay.
Còn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Tiền Giang là địa phương có vùng trồng chuyên canh thanh long hàng hóa lớn nhất, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo với sản lượng gần 100.000 tấn quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Dưới sự "chủ xị" của Sở Công Thương tỉnh, người trồng thanh long đã liên kết lại thành lập HTX thanh long Mỹ Tịnh An, phát huy sức mạnh hợp tác, chủ động ký hợp đồng với toàn bộ thành viên nông hộ và định hướng sản xuất trái thanh long sạch, cam kết bao tiêu giá sàn, đảm bảo giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường từ 2.000đồng/kg trở lên. Ngay từ năm 2015, khi nhận thấy việc xuất đi thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp, HTX đã mạnh dạn nghiên cứu, hướng thành viên sản xuất trái thanh long sạch đủ tiêu chuẩn để xuất đi những thị trường cao cấp, khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật…
"Đã đến lúc người trồng thanh long phải tự cứu mình bằng việc tính toán lại quy mô sản xuất thanh long. Không chỉ sản xuất thanh long sạch mà còn phải làm chủ việc bán hàng hóa, chủ động trong sản xuất cũng như giá cả. Việc cần làm ngay lúc này là phát triển mô hình HTX, các tổ liên kết để bà con gắn kết với nhau từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Trong đó chú trọng sản xuất thanh long sạch, giảm các khâu trung gian, tránh tình trạng thương lái thao túng giá cả", ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết.
Nhiều việc phải làm
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện trái thanh long đóng góp hơn 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm của cả nước và đang được các thị trường tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á, EU, Mỹ... ưa chuộng. Chỉ tính riêng tại tỉnh Bình Thuận đã có hơn 16.000 ha, với hơn 100 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập ở cả khâu sản xuất và tiêu thụ. Dù nhiều cố gắng nhưng đến nay mối quan hệ giữa doanh nghiệp thu mua và nông dân, tổ nhóm hợp tác sản xuất còn khá lỏng lẻo. Phần lớn trái thanh long được các hộ sản xuất tự tìm thị trường tiêu thụ trôi nổi, theo hướng ở đâu được giá hơn thì bán chứ chưa có những giải pháp căn cơ mang tính lâu dài.
"Khi người trồng thanh long không còn sản xuất nhỏ lẻ nữa mà quy về một đầu mối như HTX sẽ giúp cho việc tiêu thụ thông qua hợp đồng sẽ dễ dàng hơn. Đây là hướng đi tích cực giúp sản xuất gắn với kinh doanh tiêu thụ. Điều quan trọng nhất là khi xây dựng các nhóm nông dân hoặc tổ liên kết sản xuất thanh long, chúng ta phải làm sao gắn kết được lợi ích giữa doanh nghiệp với tổ, nhóm sản xuất thanh long. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con phải cụ thể những điều khoản thỏa thuận về số lượng, thời hạn giao hàng, cách tính toán giá cả… ", anh Từ Tấn Thời phân tích.
Theo ông Mai Kiều, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương hạn chế việc trồng mới thanh long tự phát, hướng người trồng thanh long tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP. "Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các nhóm nông dân sản xuất thanh long, trong đó chú trọng gắn kết lợi ích giữa doanh nghiệp với tổ, nhóm sản xuất thanh long thông qua những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm… Mô hình HTX để người trồng thanh long ngồi lại với nhau từ khâu sản xuất đến xuất khẩu sẽ được nhân rộng và là hạt nhân giúp người trồng, doanh nghiệp và ngành chức năng có sự liên kết chặt chẽ giúp cây thanh long phát triển bền vững, hạn chế thấp nhất các rủi ro...", ông Kiều nói thêm.