Trồng thanh long ruột đỏ, thu trên 200 triệu đồng/ha/năm

Sau thời gian trồng thí điểm giống thanh long ruột đỏ ở vùng gò đồi xã Kim Quan, huyện Thạch Thất cho thấy, cây thanh long ruột đỏ không chịu cảnh mất mùa như những loại quả khác nên sản lượng thu được trong năm khá ổn định. Một héc ta cây thanh long tuổi từ 2-3 năm đã cho thu hoạch trên 10 tấn quả, với giá bán bình quân từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. 


Thanh long ruột đỏ bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ảnh: Kim Há - TTXVN


Trong khi đó, để chăm sóc cho giống thanh long ruột đỏ cũng không quá phức tạp nên rất hợp với canh tác của bà con tại địa phương; đồng thời cây thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những giống cây trồng trên vùng gò đồi trước đây.

Năm 2006, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trồng thử nghiệm 0,5ha giống cây thanh long ruột đỏ tại xã Kim Quan và một năm sau (năm 2007) mở rộng lên 5ha ở xã Kim Quan và xã Bình Yên cũng ở huyện Thạch Thất. Trong thời gian trồng thử nghiệm trên vùng đất đồi gò của huyện Thạch Thất, cây thanh long ruột đỏ là loại cây ăn quả rất dễ trồng, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, chất lượng ngon, màu sắc đẹp hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thời vụ ra hoa kết quả từ tháng 5 đến tháng 11, hàng năm cho từ 5 đến 6 lứa quả chính.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất gò đồi kém hiệu quả, năm 2011, UBND huyện Thạch Thất đã xây dựng dự án phát triển cây thanh long ruột đỏ với diện tích 35 ha tại xã Bình Yên và Kim Quan. Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình thanh long ruột đỏ với tổng diện tích lên tới 12 ha tại 4 xã Yên Trung, Yên Bình, Bình Yên, Lại Thượng. Đây là những xã vùng núi và đồi gò có diện tích tự nhiên rộng, nhiều hộ có quỹ đất từ 1ha đến 3 ha đảm bảo cho sản xuất thanh long ruột đỏ tập trung.

Năm nay, diện tích thanh long ruột đỏ của huyện Thạch Thất dự kiến sẽ tăng thêm 12 ha từ mô hình khuyến nông, kết hợp với dự án được thực hiện đúng tiến độ thì tổng diện tích thanh long ruột đỏ sẽ lên tới gần 60ha. Các hộ khi tham gia mô hình này được nhà nước hỗ trợ 100% giống bằng giống Long Định 1 có năng suất, chất lượng cao hơn giống thanh long cũ hiện đang sản xuất tại địa phương và 30% vật tư. Đồng thời, thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ đã được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình sản xuất thanh long tại huyện Ba Vì. Riêng 2 xã Yên Bình và Lại Thượng đã đổ và dựng được trên 5.000 trụ để trồng trong tháng 4 (là thời vụ tốt nhất cho cây thanh long phát triển). Chỉ sau từ 2 - 3 năm, cây thanh long ruột đỏ của huyện Thạch Thất dự kiến sẽ cho năng suất 10 tấn/ha, tổng sản lượng thanh long ruột đỏ đạt trên 500 tấn/năm.

Với hiệu quả do cây thanh long ruột đỏ đem lại, hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang hướng dẫn bà con chăm sóc mô hình thâm canh thanh long ruột đỏ an toàn mở rộng trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Sóc Sơn.


P.A
Trồng thanh long ở Cà Mau: Dễ trồng, khó bán
Trồng thanh long ở Cà Mau: Dễ trồng, khó bán

Thị trường tiêu thụ trái thanh long hiện nay rất khó, phải vận chuyển tới Long An mới có người mua. Do đường vận chuyển quá xa, thị trường không ổn định, dẫn tới giá thanh long khi lên khi xuống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN