Trồng thanh long ở Cà Mau: Dễ trồng, khó bán

Thời gian gần đây, người dân tỉnh Cà Mau đổ xô đầu tư trồng cây thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ, để phát triển kinh tế gia đình.


Người dân Cà Mau đang lo lắng về đầu ra cho thanh long ruột đỏ.

Nếu như cuối năm 2013, diện tích thanh long toàn tỉnh chỉ có 1.200 ha, thì hiện nay con số đã tăng gấp đôi. Địa phương trồng cây thanh long nhiều nhất là huyện U Minh, với gần 500 ha, các huyện khác như Trần Văn Thời, Thới Bình, Cái Nước cũng đang có phong trào trồng cây thanh long.


Cây thanh long bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Giá thanh long ruột đỏ hiện nay là 25.000 đồng/kg, so với 15.000 đồng/kg thanh long ruột trắng. Mặt khác, ưu điểm của thanh long là chỉ đầu tư 1 lần có thể thu lợi trên 10 năm.


Ông Trần Văn Tâm, người trồng 2 ha với trên 200 trụ thanh long ở huyện U Minh cho biết, nhờ cây thanh long mà mỗi năm gia đình ông thu nhập 70 triệu đồng.


Tuy nhiên, nhiều người dân trồng thanh long cho biết, thị trường tiêu thụ trái thanh long hiện nay rất khó, phải vận chuyển tới Long An mới có người mua. Do đường vận chuyển quá xa, thị trường không ổn định, dẫn tới giá thanh long khi lên khi xuống.


Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nông dân Cà Mau trồng thanh long là học cách làm của người dân Bình Thuận. Tuy nhiên, thanh long ở Bình Thuận là sản phẩm có thương hiệu, xuất khẩu sang Mỹ và một số nước. Điều kiện của Cà Mau khác, chưa có thị trường tiêu thụ nên không thể phát triển ồ ạt, vì vậy ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân khi chọn cây trồng cũng cần phải tính tới thị trường tiêu thụ. Riêng cây thanh long nếu trồng ồ ạt thì có nguy cơ vướng đầu ra, vì vậy bà con chỉ nên trồng quy mô nhỏ, sản phẩm đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh sẽ bền vững.


Trần Thành Nên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN