Hai kênh chưa gặp nhau
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, trong phát triển, ở khía cạnh tổ chức, nông dân sản xuất và liên kết chuỗi giá trị, tại một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn lỏng lẻo, khiến cho kế hoạch sản xuất và tiêu thụ có lúc, có nơi không gặp được nhau, tình trạng dồn ứ sản phẩm khi trúng mùa vẫn xảy ra.
Chưa kể, chi phí sản xuất tăng, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn nên chất lượng sản phẩm chưa cao cũng là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp bị giảm sút.
Cũng theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay điều đáng lo ngại là ở nhiều địa phương, dù các mô hình hợp tác xã thích ứng với biến đổi khí hậu đã dần được hình thành song còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún… Hơn nữa, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước còn ít, nhất là cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, hiện tại vẫn chưa có nguồn hỗ trợ đối với một số nhu cầu thiết yếu của hợp tác xã nên nhiều hợp tác xã trong vùng vẫn thiếu thông tin và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Không những thế, một số sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân chưa được nhân rộng; năng lực nội tại của một số hợp tác xã, tổ hợp tác cũng còn hạn chế, thiếu trang thiết bị, hạ tầng phục vụ sản xuất, có hợp tác xã, tổ hợp tác còn ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở một số hợp tác xã, năng lực cán bộ quản lý còn yếu, thiếu hiểu biết về pháp luật, về kinh doanh và thị trường. Các hợp tác xã cũng còn ít các loại hình dịch vụ, chủ yếu là thực hiện các dịch vụ đầu vào.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vẫn còn một số hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Một số chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng chưa mạnh dạn tham gia thực hiện, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp chưa chú trọng việc liên kết với hợp tác xã và nông dân, mà chủ yếu thu mua nông sản qua thương lái.
Liên kết trong nông nghiệp
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác và liên kết trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị cho hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các ban ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Các ngành, địa phương, tổ chức các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá mô hình hiệu quả. Đồng thời, chính quyền địa phương làm cầu nối để hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo các chuỗi giá trị nông sản chủ lực.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu trong phát triển hợp tác xã và chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đào tạo nhân lực tại chỗ cho hợp tác xã trở thành nhiệm vụ của toàn ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, các hợp tác xã đã phát triển cũng cần có những hỗ trợ để thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở các hợp tác xã nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp thế giới nói chung luôn theo chiều hướng phát triển và có nhiều kiến thức mới. Các hợp tác xã cũng cần có chiến lược đưa cán bộ hợp tác xã đi học tập ở nước ngoài, xây dựng các nhóm tư vấn phát triển hợp tác xã tại mỗi địa phương với sự hỗ trợ của các viện, trường có uy tín.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp nông sản, thủy sản tham gia liên kết, hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ đối với diện tích nuôi cá tra, cá thát lát và các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Mặt khác, các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục liên kết cung ứng sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng đã ký kết và tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã trong liên kết hợp tác sản xuất với bao tiêu sản phẩm.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tư vấn đến các hợp tác xã trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp điều kiện từng địa phương, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tăng cường thông tin về thị trường và dự báo thị trường để đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nông dân.