Thế nhưng, sản phẩm nông nghiệp của khu vực này hiện đang đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm tương tự của thị trường thế giới. Hơn nữa, việc phải ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu để giữ vững năng suất, cũng như chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng khiến việc thực hiện liên kết chuỗi để phát triển bền vững đang trở nên cấp thiết.
Muốn tồn tại và phát triển lâu dài, hầu hết nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều theo chiến lược liên kết chuỗi để nắm bắt thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng và xoay vòng thời vụ hợp lý nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển sản phẩm theo cách làm cũ, các loại sản phẩm của khu vực sẽ khó giữ vững vị trí khi nhu cầu của người tiêu dùng luôn hướng đến những điều mới lạ. Do đó, cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đều phải có hướng đi sáng tạo trong từng sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ vào chế biến
Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận thức rõ, trong cuộc chiến chất lượng và an toàn thực phẩm, giảm giá thành và nâng chất lượng là 2 yếu tố giúp tăng giá trị cũng như lợi nhuận trong sản xuất, tiêu dùng.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, nhiều năm qua, có nhiều diễn đàn, hội thảo bàn bạc vấn đề nâng cao năng suất và sản lượng sản phẩm cho nông dân. Nhưng hướng đi này sẽ không bao giờ bền vững vì nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và thế giới sẽ có giới hạn. Vì vậy, năng suất cao, sản xuất lớn sẽ dẫn đến dư thừa, giá trị thấp. Trong khi đó, để đầu tư nâng cao năng suất và sản lượng, chắc chắn người sản xuất sẽ phải tăng chi phí sản xuất.
Vấn đề đặt ra là làm sao giữ năng suất và sản lượng sản phẩm nhưng giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành; đồng thời, nâng cao giá trị bằng ứng dụng công nghệ, sáng tạo ra những sản phẩm giá trị cao thì mới nâng cao vị thế nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Bà Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp chia sẻ, hiện Đồng bằng sông Cửu Long có thể cung ứng nhiều loại phụ phẩm từ sản phẩm nông nghiệp. Nếu số lượng phụ phẩm này được tái sử dụng tốt sẽ cho ra những loại sản phẩm tinh chế giá trị cao.
Nhận thấy tiềm năng phát triển phụ phẩm nông nghiệp còn lớn, bà Thùy đã đầu tư, chế biến các loại tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp. Dưới sự hỗ trợ truyền thông, marketing, vay vốn và tham gia các hội chợ nông nghiệp, hiện bà Thùy đã chế tạo thành công 70 loại tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp. Để hoạt động chế biến tinh dầu vận hành tốt, nhà máy đã liên kết thu mua phụ phẩm và nguyên liệu chế biến với nông dân trong tỉnh Đồng Tháp và khu vực lân cận.
Thủy sản cũng là một trong những thế mạnh phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ngoài việc cung ứng tôm, cá tra nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nhiều hợp tác xã cũng hướng đến đa dạng sản phẩm để phát triển sản xuất, tăng giá trị và thu nhập cho các thành viên.
Ông Trần Quang Cần - Giám đốc Hợp tác xã Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện hợp tác xã có 100 ha sản xuất tôm theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản châu Âu (ASC), áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Đồng thời, với biên độ thay đổi thời tiết ngày càng ngắn lại, hợp tác xã đã phải thay đổi chiến lược nuôi tôm.
Thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào nguyên liệu tôm, hiện Hợp tác xã Hưng Phú đã bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm, dần chuyển sang tôm chế biến để cung ứng cho các hợp đồng đặt hàng trong nước và xuất khẩu.
Để tạo ra sản phẩm tôm chế biến sạch, Hợp tác xã tuyển chọn những con tôm có size 55 con/kg, chuyển sang ao cá, thả mật độ thưa, cắt thức ăn trong vòng 10 ngày, để tôm thải hết thức ăn thừa còn sót lại. Sau đó chế biến sâu thành sản phẩm tôm một gió, nhằm tăng giá trị cho tôm.
Sự thay đổi chiến lược sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay của hợp tác xã không chỉ giúp cho ngành nuôi tôm đứng vững trên thị trường mà còn giúp giải quyết lao động trong khu vực huyện Cù Lao Dung. Với công suất chế biến 80 kg/ngày, Hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho 10 lao động nhàn rỗi. Thời gian tới, khi Hợp tác xã Hưng Phú ký hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài, dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất và giải quyết được lực lượng lao động hiện có tại đây - ông Cần cho biết thêm.
Phát triển thành ngành hàng chủ lực
Ngoài hướng đi sáng tạo, những sản phẩm chế biến mới, cung ứng cho người tiêu dùng trong nước và thế giới, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng chú trọng phát triển thành ngành hàng chủ lực. Nông dân và doanh nghiệp trở thành những mắt xích chặt chẽ trong chuỗi ngành hàng chủ lực này để “nương tựa lẫn nhau” khi thị trường có biến động.
Cho đến nay, 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định các sản phẩm trái cây, thủy sản như: tôm, cá tra, lúa là những ngành hàng chủ lực, nằm trong quy hoạch phát triển của từng địa phương.
Trong từng ngành hàng chủ lực, các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các địa phương trong khu vực đã xây dựng được nhiều mô hình tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi giá trị hiệu quả như Hợp tác xã Tân Thuận Tây ở tỉnh Đồng Tháp đã liên kết với Công ty Long Uyên để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm xoài.
Hợp tác xã Bình Hòa Phước, tỉnh Vĩnh Long liên kết với Công ty Rau quả Mê Kông để cung ứng, tiêu thụ chôm chôm. Hợp tác xã Hòa Lộc, tỉnh Tiền Giang lại liên kết cung ứng, tiêu thụ trái xoài với một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các sản phẩm trái cây của các hợp tác xã có liên kết với các doanh nghiệp được sản xuất theo quy trình Viet GAP, Global GAP.
Theo ông Nguyễn Văn Chì - Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây, Đồng Tháp liên kết tiêu thụ là chiến lược mà hợp tác xã phải hướng tới. Bởi nếu chỉ tự sản xuất và tiêu thụ sẽ khiến cho hợp tác xã khó phát triển.
Với vai trò một nhà cung ứng nguyên liệu, Hợp tác xã Tân Thuận Tây liên kết với Công ty TNHH Kim Nhung cung cấp xoài cát chu loại 1 để xuất khẩu ra thị trường Australia. Ngoài ra, các sản phẩm loại 2, loại 3 cũng được thu mua đều đặn để cung ứng cho thị trường trong nước.
Hiện Hợp tác xã Tân Thuận Tây cũng đã có hợp đồng cung ứng xoài cho thị trường châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, trái xoài chín vỏ mỏng, chỉ bảo quản được 3 ngày trong điều kiện bình thường. Do đó, để có thể bảo quản được 40 ngày trong điều kiện bình thường, hợp tác xã còn phải đầu tư thêm nhiều công nghệ bảo quản, mới có thể thực hiện liên kết lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng thương hiệu 15 ngành hàng chủ lực cho các sản phẩm xoài, gạo, hoa kiểng, lúa, cá tra, vịt, quýt hồng…
Vì vậy, việc phát triển nhãn hiệu đã góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương; đồng thời, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng, bảo vệ uy tín sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng được vùng sản xuất sinh thái bền vững; phát triển ngành hàng có tiềm năng của địa phương trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận sẽ giúp cho các nhà vườn yên tâm sản xuất, nâng cao nâng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập cũng như chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người sản xuất chân chính.