Hội nghị thu hút sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các viện, trường, cơ quan khoa học và các doanh nghiệp tham dự. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các nhà khoa học, các doanh nhân đề cập các nội dung liên quan đến yêu cầu bức thiết về tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và thực trạng tồn tại nhiều khiếm khuyết, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp cần phải khắc phục cũng như sự bức bách về phát triển sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ cao ngày càng trở thành vấn đề thời sự nóng hổi.
Theo Phó Giáo sư ,Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ), tình hình phát triển nông nghiệp và thủy sản, đặc biệt là sản phẩm chủ lực về thủy sản, cây ăn quả, cây lúa…tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những áp lực nặng nề do: Khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và suy thoái đất đai bởi tác động biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác. Sản phẩm chủ lực vùng bị cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực kém bền vững…
Do vậy, nhiều chính sách phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long được đặt ra để giải quyết qua Nghị quyết 120 của Chính phủ ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu và Quyết định 1819/QĐ-TTg về tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần giải quyết hai thách thức đặt ra. Ông Sánh nhấn mạnh, giải pháp khoa học liên ngành (công nghệ sinh học, kỹ thuật sản xuất, kinh tế - xã hội và chính sách) kết hợp công nghiệp thông minh và ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội thúc đẩy thực hiện chủ trương và chính sách quan trọng kể trên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh cũng đề xuất, thành lập mạng lưới và liên kết khoa học công nghệ liên ngành để thúc đẩy thực hiện thành công Nghị quyết 120/CP và Quyết định 1819/TTg là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, sớm phát triển trung tâm thông tin và dữ liệu vùng để thực hiện mạng lưới khoa học công nghệ nêu trên; nghiên cứu, phát triển quản lý và sử dụng nước rất quan trọng đến an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền nông nghiệp thông minh kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 đồng thời với thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tiếp cận nâng cấp chuỗi giá trị và lồng ghép cộng đồng để phát triển mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đề xuất, cần có chính sách thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Ông Tuấn cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp – nông thôn cần chú trọng tăng đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân; cải thiện tiếp cận tín dụng cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Nhà nước cần có chính sách về đất đai, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề và chuyển đổi lao động cũng như đổi mới quản lý nhà nước…
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đề cao vai trò ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng, hiệu quả cao. Theo ông Thòn, khoa học công nghệ có vai trò rất lớn, tác động tích cực đến chuỗi giá trị cung ứng gạo. Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng triệt để, căn cơ góp phần đưa ngành lương thực của tập đoàn ngày càng phát triển, doanh nghiệp cũng như nông dân và cả nền kinh tế cùng hưởng lợi.
Tập đoàn Lộc Trời ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh nhằm phân hủy rơm rạ sau khi thu hoạch để làm phân bón ngay tại ruộng; công nghệ tưới nước luân phiên xen kẽ giữa ướt và khô giúp giảm chi phí tưới nước, giúp rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất giảm được đổ ngã cũng như giảm phát thải khí nhà kính methane; trồng lúa công nghệ cao; triển khai dự án sản xuất lúa gạo bền vững…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chọn tạo và nhân giống cây ăn quả chất lượng cao, góp phần giúp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát huy tiềm năng và thế mạnh trồng cây ăn quả đặc sản trong tình hình biến đổi khí hậu đang đòi hỏi phải tái cấu trúc nền nông nghiệp cũng như chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái.
Để góp phần vào việc phát triển ngành hàng rau, hoa và quả, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ về kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật và công nghệ sau thu hoạch đã được Viện Cây ăn quả chuyển giao để sản xuất hiệu quả. Nhiều giống cây trồng mới xuất xứ từ Viện đã giúp nông dân sản xuất hiệu quả như: Giống thanh long ruột đỏ LD91, giống thanh long ruột tím hồng LD95, giống cam sành không hạt LD 6…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh hoan nghênh những ý kiến đóng góp thiết thực của các nhà khoa học, các doanh nhân cũng như các cấp, các ngành có liên quan. Bộ trưởng cho rằng, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực trước tình hình biến đổi khí hậu gay gắt đang là vấn đề thời sự nóng bỏng cần được các địa phương, bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học cũng như mọi tầng lớp nông dân trong khu vực quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, đối với Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, những vấn đề cụ thể đang đặt ra là cần thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng và đề cao hơn nữa vai trò khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi giá trị mà những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, thủy hải sản…
Những đề xuất và kiến nghị của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, các địa phương sẽ được Ban Tổ chức đúc kết, tổng hợp và được các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa trong thời gian tới thông qua những giải pháp khả thi nhằm đưa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò khoa học công nghệ thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phầm chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long vào đời sống, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp – nông thôn đổi mới.