Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
Mới đây, khi Trung Quốc ngừng thu mua chuối, khiến chuối của nông dân tại một số tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ không tiêu thụ được đành bỏ chín rụng, thì nhiều cuộc “giải cứu” đã được tổ chức thực hiện. Trên mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện những chương trình vận động, kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ chuối cho nông dân. Một số doanh nghiệp cũng tham gia vào cuộc “giải cứu” này. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện “giải cứu nông sản” đã bộc lộ nhiều điều bất ổn, chỉ ra những “nút thắt” lớn của ngành nông nghiệp nước ta.
Đặc sản quýt Lai Vung tại nhà vườn Lưu Văn Ràng, ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. |
Đây là câu chuyện không mới vì không ít những đợt “giải cứu” đã từng diễn ra ở nhiều nơi và trong đó có cả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây hàng đầu cả nước. Câu chuyện “giải cứu” hành tím ở tỉnh Sóc Trăng hay khoai lang của tỉnh Vĩnh Long... vẫn như còn khá mới. Tâm lý thấy giá tăng, nông dân đổ xô trồng ồ ạt, đến khi thị trường dư thừa, thương lái không mua thì rớt giá, là một dẫn chứng cho việc thiếu những chiến lược cụ thể của vùng. Thế nhưng, những bài học đắt giá này vẫn có thể lặp lại bất cứ lúc nào trên nhiều loại nông sản trong thời gian tới vì đến nay kiểu sản xuất “theo phong trào” vẫn còn diễn ra phổ biến ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Tháng 11/2016, các nhà vườn chuyên canh màu ở thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Phước Long... đang trồng màu theo hướng đa chủng loại thì ồ ạt chuyển sang trồng một số loại hoa màu “sốt giá” như: cải xà lách, cải xanh, cải ngọt, hành, hẹ, rau thơm... Ngay thời điểm đó ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã khuyến cáo người dân cần thận trọng đầu tư sản xuất, không vì chạy theo sốt giá cục bộ mà gieo trồng thiếu cân đối dẫn đến cung vượt cầu, khó khăn về đầu ra và nhiều khả năng xảy ra thua lỗ nặng như những năm trước đây.
Ở tỉnh Cà Mau, hàng trăm ha đất vườn, đất trồng lúa và đất rừng tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân... đã được người dân cải tạo trồng thanh long (chủ yếu là thanh long ruột đỏ) để phát triển kinh tế gia đình trong khi cây thanh long chưa được quy hoạch là loại cây trồng chủ lực ở địa phương. Hệ quả là đến nay hàng trăm hộ dân đã từng ấp ủ khát vọng làm giàu từ mô hình cây thanh long đang phân vân là nên giữ hay phá bỏ cây thanh long để thay thế các loại cây khác. Vì trong những năm gần đây, nhiều thương lái ở Cà Mau không còn mặn mà với việc thu mua loại nông sản này.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Khiết (ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) đã cải tạo khoảng 1.000 m2 đất vườn trồng 300 trụ thanh long, mỗi năm gia đình có nguồn thu hơn 80 triệu đồng. Theo ông Khiết, trồng thanh long chỉ bán được giá trong vài năm đầu vì có rất ít người trồng với sản lượng không lớn. Đến khi, cây thanh long phát triển ồ ạt ở nhiều nơi trong tỉnh thì nguồn cung vượt cầu nên giá cả giảm mạnh. Đồng thời nhiều diện tích vườn thanh long bị nhiễm bệnh, năng suất thường đạt thấp, chất lượng giảm sút vì không am hiểu sâu về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc, phòng bệnh.
Khi thấy một mặt hàng nông sản nào đó xuất khẩu tốt, có giá tăng, lập tức nông dân đua nhau ồ ạt mở rộng diện tích mà hoàn toàn không nắm bắt tình hình diễn biến của thị trường và sau đó rơi vào... thế bí. Cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhất là làm ăn thiếu liên kết đã được nhận diện từ nhiều năm qua. Người nông dân phải “tự bơi” trên mảnh đất canh tác của mình. Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng đã nỗ lực chuyển mình để dần xóa bỏ cách thức sản xuất lạc hậu này bằng việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân... trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, kể từ khi được đề cập tới khái niệm liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân đến nay, hơn 15 năm qua, dù Chính phủ, ngành chức năng đã có nhiều chính sách thúc đẩy việc liên kết này có sức lan tỏa và bền vững nhưng thực tế hiệu quả liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ chưa đạt như mong muốn. Theo số liệu thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trong năm 2016, cả nước có trên 500 doanh nghiệp, hơn 2.000 hợp tác xã và 1.200 tổ hợp tác tham gia liên kết tiêu thụ nông sản. Riêng tại ĐBSCL có trên 180 doanh nghiệp và gần 700 hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Tỷ lệ được tiêu thụ qua liên kết đối với một số nông sản chính tại ĐBSCL là lúa đạt 28%, cây ăn quả đạt trên 8%, cá đạt 48%, rau màu đạt hơn 2%.
Con số trên đã phản ánh sự liên kết còn yếu, số doanh nghiệp đứng ra liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách khép kín, từ đầu vào cho đến bao tiêu đầu ra còn rất hạn chế. Điều này phần nào lý giải vì sao đến nay tình trạng “được mùa rớt giá” và cách tổ chức sản xuất nông nghiệp kiểu chạy “theo phong trào” của không ít nông dân ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn tồn tại.
Đó cũng là nguyên nhân vì sao 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp. Nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Tháo gỡ những “rào cản”
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, yếu tố đất đai, hạn điền là “rào cản” lớn nhất trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi nếu đất đai không có một quy mô nhất định thì không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả, chuỗi giá trị bền vững.
Thu hoạch bưởi Năm Roi ở HTX bưởi Năm Roi, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Xã Mỹ Hòa có diện tích trồng bưởi tập trung nhiều nhất huyện với diện tích hơn 1.900 ha, năng suất hàng năm đạt 76.000 tấn. |
Do vậy, để ngành nông nghiệp bứt phá phát triển thì phải tập trung được đất đai để tạo nền tảng cho nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đất đai phải được sử dụng lâu dài để nông dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư có chiều sâu.
Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã cũng là một đòi hỏi cần giải quyết đồng bộ để tạo lập chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chặt chẽ, bền vững. Vì đây là một trong những giải pháp tối ưu để góp phần giải quyết bài toán liên kết trong bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay.
Ở góc độ khác, có thực tế khi doanh nghiệp nước ngoài ngừng thu mua thì doanh nghiệp trong nước cũng ngưng thu gom và hệ quả là toàn bộ rủi ro đều đổ dồn hết lên người nông dân. Điều này cho thấy để ngành nông nghiệp ở vùng ĐBSCL bước vào “sân chơi lớn”, đời sống của người nông dân được đảm bảo thì phải cần liên kết những doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị cao hơn. Các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần chủ động có chính sách rõ ràng, ưu đãi, khích lệ hơn để tạo sự hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từ đó sẽ hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành đầu tư vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao đời sống nông dân.
Thời gian qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Chính phủ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đang triển khai chương trình phát triển nông sản chủ lực. Tuy nhiên, có một thực tế là một số loại sản phẩm chủ lực của tỉnh này cũng lại là sản phẩm chủ lực của tỉnh khác. Do vậy, việc thúc đẩy nhanh liên kết vùng, tiểu vùng để tạo ra vùng nguyên liệu nông sản vượt ra khỏi địa giới hành chính từng địa phương là một yêu cầu cấp bách.
Bộ NN&PTNT đã triển khai liên kết phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020. Đây có thể nói là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên bởi liên kết này sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn vùng và các tiểu vùng sinh thái, địa phương gắn với các nông sản chủ lực như: Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang với sản phẩm chủ lực là gạo; tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu gồm Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre với sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh và dừa; tiểu vùng bán đảo Cà Mau gồm 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với sản phẩm chủ lực là tôm thẻ chân trắng và tốm sú sinh thái; tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang với sản phẩm chủ lực là gạo và cá tra.
Những giải pháp trên sẽ không chỉ giúp nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL dễ dàng kết nối thị trường, đảm bảo đầu ra mà còn giúp xây dựng được thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời từ đó sẽ góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia về cá tra, gạo, tôm sú sinh thái Việt Nam; triển khai các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chôm chôm, sầu riêng, nhãn, dừa, xoài, bưởi da xanh tại một số tỉnh, thành; liên kết xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng VietGAP nhằm xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng và an toàn thực phẩm...
Một vấn đề quan trọng khác là để đảm bảo đầu ra cho nông sản là không chỉ chú trọng sản xuất nông sản xuất khẩu mà còn quan tâm đến thị trường trong nước. Do vậy, việc tăng cường tổ chức các kênh phân phối, lưu thông hàng nông sản với các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tốt hơn nữa cũng sẽ góp phần rất lớn cho việc ổn định sản xuất của nông dân vùng ĐBSCL.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Rà soát lại chính sách ưu đãi
Muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả thì phải có quy mô, muốn xuất khẩu thì cần sản phẩm. Doanh nghiệp có thể thu gom nhưng không thể đảm bảo chất lượng đồng nhất và quản trị, truy xuất nguồn gốc sẽ gặp khó khăn, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất khó. Luật Đất đai đang hạn chế về hạn điền, dẫn đến tăng chi phí, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, xem cái gì hiệu quả, không hiệu quả. Giảm các loại phí, từ đó giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi hơn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để tạo vốn cho họ. Bên cạnh các yếu tố ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp như thuế, vốn... còn yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo quyền bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, cần bảo đảm hợp đồng, sự tuân thủ giữa doanh nghiệp và người dân, đây là sự tác động rất lớn với doanh nghiệp.
Tiến sĩ Võ Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam: Thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp
Câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản. Lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam cứ sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu. Nếu không thay đổi được điều này thì vẫn mải loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”. Phải tổ chức rộng rãi hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có dựa trên mô hình hợp tác xã thì mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết với doanh nghiệp dễ dàng.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Vinamit: Đầu tư cho bảo quản, chế biến
Đã đến lúc Nhà nước phải xem xét và phải đưa việc xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn. Việc đầu tư vào ngành chế biến nông sản có thể bắt đầu từ việc xây dựng các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu. Nếu Nhà nước không làm được thì nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, với cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khoảng 1%/năm chẳng hạn.
|