Cần sớm có giải pháp bền vững giúp các tỉnh ĐBSCL

Có tổng diện tích gần 40.000 m2, ĐBSCL là khu vực an cư của hơn 18 triệu người dân. Nếu sinh kế không bền vững sẽ dễ dẫn đến tình trạng bất an, phát sinh các thực trạng: Hủy hoại môi trường, kìm hãm phát triển kinh tế, gây mất an ninh xã hội...

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Lựa chọn các mô hình chuyển đổi

Sau 2 lần xây dựng kịch bản về biến đổi khí hậu, năm 2016 Việt Nam đã ra mắt kịch bản biến đổi khí hậu lần 3. So với 2 kịch bản lần trước, kịch bản lần này đã có sự tiến bộ hơn hẳn và không còn mang tính chủ quan duy ý chí, áp đặt của người làm kịch bản lên sự phát triển tự nhiên, mang tính bền vững của vùng. Theo đó, ĐBSCL sẽ lấy nước và đất làm cơ sở, từ đó xét đến các vấn đề hạ tầng kinh tế xã hội khác; những giải pháp đối phó cần xem xét toàn diện làm cơ sở tiền đề, lựa chọn các mô hình chuyển đổi giúp phát triển bền vững kinh tế ĐBSCL.

Thời gian tới cần có sự quyết tâm chính trị và tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương trong vùng để xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể với cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, liên vùng nhằm giải quyết một cách toàn diện các vấn đề thách thức hiện nay và định hướng cho sự phát triển dài hạn của Vùng.

Nền nông nghiệp thích nghi với điều kiện, tình hình mới đang là nhu cầu bức thiết của ĐBSCL.

Việc lập quy hoạch tổng thể Vùng theo hướng tích hợp phải đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể.

Theo tôi có thể gợi mở những vấn đề sau: Phải quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, cần coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên; Cân nhắc diện tích trồng lúa theo hướng giảm dần cả về sản lượng, và diện tích lúa vụ 3 để chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; Hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, đồng thời xem xét các giải pháp bù đắp nước ngầm như xây dựng thêm các hồ chứa; Nâng cao nhận thức của người dân, hệ thống chính trị trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tập quán canh tác theo hướng hiệu quả, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Việc sắp xếp lại có thể dẫn đến việc thay đổi tập quán, thói quen sản xuất ở một số địa phương nhưng điều đó là cần thiết vì lợi ích chung, lâu dài của cả vùng... 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT:
Rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng 

Hiện ngành nông nghiệp đang có nhiều giải pháp, từng bước rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng ĐBSCL theo các định hướng sinh kế chuyển đổi bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu. Theo đó, chúng tôi đã nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng điều chỉnh quy hoạch các ngành hàng chiến lược theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích cây ăn trái, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn/ngập lợ, giảm diện tích lúa đặc biệt lúa 3 vụ, tăng sản lượng chăn nuôi.

Trong quy hoạch hệ thống thủy lợi sẽ hướng đến làm sao phù hợp với cơ chế giữ lũ, ngăn mặn linh hoạt và phục vụ nhiều hệ thống canh tác khác nhau, đặc biệt thủy sản và trái cây. Những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo các tiểu vùng và có chế tài thực hiện và quản lý nghiêm quy hoạch.

Không còn độc canh cây lúa, tại nhiều khu vực nhà nông đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tại các vùng chuyên canh, kết hợp với các ngành chức năng chúng tôi sẽ quy hoạch những vùng lõi để phát triển cụm các cơ sở kho chứa, bảo quản, sơ chế và các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất như vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc, máy móc thiết bị...), dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ cơ khí...

Còn tại các thành phố lớn của tiểu vùng, quy hoạch các khu công nghiệp chế biến sâu sản phẩm và các phụ phẩm để tối đa hóa giá trị sản phẩm và các dịch vụ hậu cần (bao bì, nhãn mác, đóng gói, vận chuyển...).

Rà soát và điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, bổ sung quy hoạch đường sắt để kết nối trong vùng chuyên canh, kết nối các vùng chuyên canh với nhau, kết nối vùng chuyên canh với khu vực chế biến và kết nối với thị trường; tránh việc chia cắt bất hợp lý.

Lê Nghĩa/Báo Tin tức
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng ứng phó bão Tembin
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng ứng phó bão Tembin

Sáng 24/12, tỉnh Bạc Liêu họp khẩn, bàn giải pháp, nhiệm vụ phòng tránh, ứng phó bão số 16 Tembin. UNND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo triển khai di dời dân ở những nơi xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng nhiều bởi bão đến nơi tránh trú an toàn từ ngày 24/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN