Theo nhận định của Bộ Giao thông Vận tải, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có điều kiện về vị trí địa lý và thuận lợi về kết nối giao thương với các vùng trong cả nước, các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Trong đó, hoạt động giao thông vận tải với 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường biển, hàng không đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics của vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, hệ thống logistics của vùng vẫn còn kém phát triển; trong đó, lĩnh vực giao thông đóng vai trò rất quan trọng. Vấn đề liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Do đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và cả nước.
Trước nhu cầu xây dựng hệ thống dịch vụ logictics càng trở nên bức thiết, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển logistics cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tập trung vào 6 nội dung trọng tâm gồm: nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối; nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải; nhóm giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics; nhóm giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics; nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có thể phát triển logistics rất tốt, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Việc phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn và giải quyết các nút thắt về kết cấu hạ tầng sẽ góp phần giảm tỷ trọng chi phí logistics xuống mức tương đồng với các nước trong khu vực, tiến đến mục tiêu hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, hiện tại do nguồn vốn đầu tư gặp khó nên không thể đầu tư theo cơ chế xin - cho. Vì vậy, các địa phương phải phát huy hiệu quả những cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, kết nối kho cảng với các cụm doanh nghiệp, phát huy vận tải đa phương thức, đặc biệt là phát huy lợi thế đường thuỷ nội địa để giảm sự quá tải của đường bộ,... Ngoài ra, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị các cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để khắc phục tình trạng thiếu, yếu và chắp vá như hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng rằng, trong những năm tới đây, nếu phát triển đồng bộ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tất cả lợi thế của vùng, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.