Càng chạy càng lỗ
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Đào Việt Long thông tin, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, Sở đã xây dựng kế hoạch mở lại vận tải khách liên tỉnh, không ban hành tiêu chí riêng và thỏa thuận với các địa phương có tuyến vận tải khách đi/đến Hà Nội mở lại tần suất, tăng dần số chuyến, nhưng đến nay, hoạt động vận tải khách liên tỉnh vẫn ảm đạm, hành khách chưa mặn mà.
Lái xe Nhà xe Minh Thành Phát chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai cho hay, doanh nghiệp bắt đầu chạy 5 chuyến/ngày tuyến này từ 13/10, nhưng đến nay, bình quân mỗi xe chỉ có 7-10 khách. Nếu xe không đủ 20 khách/xe/chiều, với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, chưa kịp bù lỗ giá thành vận tải đầu vào, vì không thể tăng giá cước, xe càng chạy sẽ càng lỗ vốn.
Còn theo rà soát của Sở GTVT Thái Nguyên, tỉnh có 2.100 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hoạt động vận tải gặp chưa kịp “hoàn hồn”, càng thêm lao đao khi đối mặt với giá xăng dầu tăng. Phần lớn các đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, chiều đi vắng khách, chiều về chạy rỗng. Trong khi, không ít doanh nghiệp vẫn ngừng hoạt động vì không có tiền trả lương lái xe, khiến họ nghỉ việc, thậm chí chưa tính đến việc khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.
Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty vận tải Minh Thành Phát, trong điều kiện không có khách, nhà xe không thể tăng giá cước, để cầm cự và giữ tuyến, doanh nghiệp vẫn buộc phải chạy xe. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo liên Bộ Tài chính - Công Thương sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ thị trường, tránh lạm phát giá, vì giá xăng dầu chiếm phần lớn giá thành vận tải.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, hiện lượng xe vào bến chỉ đạt khoảng 10%, tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày. Nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động hoặc hoạt động cách nhật, các xe khách hoạt động ở bến đều vắng khách...
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng chia sẻ, Hà Nội mới cho xe taxi hoạt động chở lại với tần suất 50% số phương tiện và 50% số chỗ ngồi. Trong khi lượng khách hiện tại chỉ đạt từ 15-20% so với trước dịch và các doanh nghiệp taxi mới chỉ chạy khoảng 45% đầu xe, vì thiếu “trầm trọng” lái xe. Việc đứt gãy chuỗi lao động này do thời gian giãn cách kéo dài vừa qua, khiến không ít lái xe đã chuyển nghề khác ổn định tại các địa phương. Chưa hết, giá xăng dầu tăng nhiều, giảm ít đang đẩy doanh nghiệp vận tải vào trạng thái phải điều chỉnh giá cước và càng mất khách. Nhiều doanh nghiệp quá tải dòng tiền phải bán bớt xe, thu hẹp kinh doanh, khó chồng khó...
Qua tìm hiểu, việc hàng loạt lái xe nghỉ việc, xe thiếu khách chủ yếu là do dư chấn ảnh hưởng từ đợt dịch vừa qua. Trong khi, đội ngũ lái xe các địa phương chưa tiêm đủ liều vaccine, thì hành khách vẫn còn tâm lý e ngại đi lại bằng xe khách và nhiều địa phương vẫn còn có quy định chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly...
Gỡ vướng như thế nào?
Những ngày gần đây, Hà Nội và một số địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng cao. Điều này tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến vận tải hành khách. Thêm vào đó, hoạt động vận tải phải tuân theo cấp độ dịch, nếu địa phương đang nằm trong vùng đỏ hoặc vùng cam sẽ đóng cửa vận tải.
Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Thành phố nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp cụ thể như: Giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định.
Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra việc mở lại vận tải tại các địa phương phía Bắc và phía Nam. Đánh giá kết quả kiểm tra, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, sở GTVT các tỉnh, thành phố đã triển khai theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc triển khai ở nhiều địa phương chưa đồng bộ, nhất là công tác khai báo y tế, quét mã QR tại bến xe và trên phương tiện kinh doanh vận tải để quản lý hành khách; việc phân làn, phân luồng phương tiện vận tải tại chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ một số tỉnh vẫn còn tình trạng lộn xộn. Thực tế này cần sớm được các địa phương thống nhất tháo gỡ.
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, sở GTVT các tỉnh, thành phố cũng tham mưu UBND tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; tiếp tục thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức hoạt động vận tải gắn liền công tác chuẩn bị phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022.
Trước thực tế trên, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe và cán bộ công nhân viên tại các bến xe, trạm dừng nghỉ, để đảm bảo nhân sự cho công tác tổ chức vận tải.