Tổng kiểm soát, xử lý phương tiện kinh doanh vận tải trên đường bộ và đường thủy. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Việc tổng kiểm soát phương tiện nhằm nắm chắc tình hình, hoạt động kinh doanh vận tải; việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, các quy định về hoạt động vận tải của các tổ chức, cá nhân (chủ phương tiện) kinh doanh vận tải trên từng tuyến, địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đối với đội ngũ lái xe, chủ phương tiện. Kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, góp phần phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông. Tạo chuyển biến tích cực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các quy định về hoạt động vận tải. Đồng thời, phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải để kiến nghị các cơ quan chức năng các giải pháp khắc phục kịp thời…
Theo Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng, kiểm soát chặt chẽ, xử lý vi phạm; sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác để phát hiện, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm. Quá trình kiểm tra, xử lý, Cảnh sát giao thông phải tuyệt đối đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kiên quyết xử lý theo quy định đối với các vụ việc chống người thi hành công vụ.
Trên tuyến đường bộ, Cảnh sát giao thông sẽ tập trung vào các tuyến quốc lộ trọng điểm, cao tốc; đoạn đường đèo dốc, quanh co, tầm nhìn hạn chế; các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, thường xuyên có xe ô tô vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định. Trong đó, kiểm tra điều kiện hoạt động của phương tiện; kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; kiểm tra hình ảnh được lưu trữ trên thiết bị (có sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử, không thắt dây an toàn trong khi lái xe, lái xe quá giờ quy định, dừng đỗ xe đón trả khách không đúng quy định...).
Đối với lái xe, lực lượng sẽ tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định; vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, tránh, vượt không đúng quy định, không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau; vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ)…
Trên đường thủy sẽ kiểm soát các tuyến đường thủy trọng điểm về vận tải hàng hóa, hành khách; các tuyến có cảng biển, cảng cá, cảng hành khách, bến khách; hồ, đập thủy lợi, thủy điện có hoạt động phức tạp về giao thông đường thủy; các điểm tập kết, bốc xếp hàng hóa; các điểm có hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí, lưu trú ngủ đêm trên đường thủy nội địa.
Lực lượng chức năng sẽ thành lập các Tổ công tác đủ mạnh, trang bị đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và hệ thống giám sát được trang cấp để phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm. Trường hợp không dừng được phương tiện để kiểm soát, xử lý, lực lượng Cảnh sát giao thông xác minh, thông báo xử phạt “nguội” theo quy định.
Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, việc quản lý kinh doanh vận tải thời gian qua còn nhiều lỗ hổng, thiếu sót, việc kiểm soát vi phạm từ “nguồn” (bến, bãi…) chưa hiệu quả.