Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều (giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình). Dự thảo Luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu Quốc hội quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận và cho ý kiến về quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và tỷ lệ quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông đô thị.
Các đại biểu cơ bản thống nhất cao với nội dung của dự thảo Luật, cho rằng việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô... "Đây là một nguồn lực rất lớn của xã hội mà chúng ta cần chú ý khi xây dựng dự án Luật này", đại biểu Tạ Thị Yên nêu.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định đối với loại hình vận tải chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến. Mô hình vận tải cho phép các hành khách đi cùng lộ trình nhưng có điểm đón và trả khách khác nhau đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ trả cước phí rẻ hơn, lái xe lại gia tăng thu nhập do tăng lượng khách trong một chuyến xe. Mô hình này không chỉ giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường mà còn giảm áp lực với cơ sở hạ tầng cũng như lượng khí thải, giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng “bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định”.
“Việc này đã tác động tiêu cực đến thực thi pháp luật, tạo cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu và đề nghị "quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng".
Chiều 21/5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đầu phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình đề nghị điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tờ trình nêu rõ, căn cứ ý kiến của cấp có thẩm quyền, thực hiện quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, sau khi xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an và dự kiến bố trí Quốc hội tiến hành nội dung này cùng với nội dung về công tác nhân sự tại phiên họp chiều 21/5 và phiên họp sáng 22/5/2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,1% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Quan tâm đến quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Vì vậy, việc đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo luật cần được quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành Luật.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Bắc Giang) cho rằng, quy định hiện nay đang bỏ trống nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật. Cụ thể là gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở các ý kiến, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.