Lai Châu: Khuyến cáo người dân không tái đàn ồ ạt để phục vụ Tết

Chỉ còn gần 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do nhu cầu sử dụng thịt lợn vào dịp Tết tăng cao, nên thời điểm này người dân thường hay tái đàn ồ ạt để phục vụ Tết.

Trước thực tế này, ngành chăn nuôi Lai Châu khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, mà chỉ tái đàn đối với những cơ sở, hộ chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết, để đảm bảo an toàn khi tái đàn, các cơ sở, hộ chăn nuôi lợn áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cần lưu ý khi dịch đã qua 30 ngày hoặc công bố hết dịch trên địa bàn thì mới áp dụng biện pháp chăn nuôi này.

Khi tái đàn hết sức cẩn trọng và theo từng đợt, không nên tái đàn ồ ạt. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện ngay việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn đủ với quy mô chuồng trại của gia đình.

Cùng đó, trong quá trình nuôi tái đàn, các trang trại cần vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất theo định kỳ; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Các chủ cơ sở, hộ chăn nuôi lưu ý hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt là người lạ và người ở vùng có mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Giá lợn hơi đang dao động từ 72.000 - 85.000 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi, trước sức hấp dẫn của giá lợn cao nên nhu cầu tái đàn của các hộ dân cũng tăng theo, đặc biệt chờ bán vào dịp Tết. Theo người chăn nuôi, hiện giá lợn giống đang có giá cao ở mức rất cao từ 1,5 - 2 triệu đồng/con, nên thị trường lợn giống khan hiếm.

Nguyên nhân lợn giống khan hiếm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi nên các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi có lợn nái đều bị chết. Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất giống lợn đảm bảo chất lượng với quy mô 50-200 con nái; tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu sản xuất con giống để nuôi thương phẩm tại cơ sở, không cung ứng ra bên ngoài thị trường.

Vì vậy, một số trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn tập trung khác không tự sản xuất con giống được mà phải tự nhập giống từ tỉnh khác đến. Ngành chăn nuôi khuyến cáo các chủ hộ khi mua giống lợn từ nơi khác cần phải nắm rõ nguồn gốc, không mua lợn giống trôi nổi, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh tái phát, ông Hùng cho biết thêm. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, tổ 21, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu nuôi 8 con lợn thịt đã được xuất chuồng, sau khi xuất bán lứa lợn này, bà Hoa sẽ tiếp tục mua thêm lợn giống để gối tiếp nhằm bán vào dịp Tết Nguyên đán.

Bà Hoa chia sẻ, do gia đình không tái đàn được nên bà phải mua giống lợn từ bên ngoài, mà hiện nay lợn giống rất khan hiếm, chủ yếu nhập từ các tỉnh khác về; để chọn con giống tốt bà Hoa rất lưu ý đến nguồn gốc của giống và chọn những con giống ở khu vực không bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi. 

Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà không áp dụng được biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì ngành chăn nuôi Lai Châu khuyến khích người dân có thể chuyển hướng sang chăn nuôi các loại động vật khác như gia súc, gia cầm; nhằm tạo thu nhập cho người dân và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Hồ Văn Hưng, bản Màng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu bộc bạch, gia đình ông đã dồn mọi tiền vốn để nuôi lợn, nay lợn chết do dịch tả lợn châu Phi nên ông không còn vốn để đầu tư nuôi lợn. Nhưng không bỏ trống chuồng trại, sau khi khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, gia đình ông đã chuyển hướng sang chăn nuôi chó, nhằm hạn chế rủi ro, hy vọng sẽ mang lại thu nhập để bù lại số tiền đã mất khi nuôi lợn.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 7 trang trại, 3 hợp tác xã và trên 37.400 hộ gia đình chăn nuôi lợn; trong đó có 6 trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lợn áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tính đến 1/10, Lai Châu có 184.500 con lợn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 27,3% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.620 tấn.

Trong năm 2020, bệnh tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra, tái phát trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ổ dịch đầu tiên năm nay được phát hiện ngày 8/6/2020 tại phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu, sau đó bệnh tiếp tục được phát hiện tại các  huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Nậm Nhùn và Mường Tè.

Tính đến ngày 2/10/2020 dịch bệnh đã xuất hiện tại 342 hộ/82 bản thuộc 24 xã của 6 huyện, thành phố, với số lợn tiêu hủy 950 con, trọng lượng gần 47 tấn. Hiện có 17 xã công bố hết dịch, riêng thành phố Lai Châu đã hết dịch trên địa bàn toàn thành phố.

Đinh Thùy (TTXVN)
Khuyến cáo người chăn nuôi không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc
Khuyến cáo người chăn nuôi không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Trước nhu cầu tái đàn lợn đang tăng mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là gần đây dịch bệnh trên đàn lợn tái phát trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN