Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng và nâng cao vai trò doanh nghiệp nhà nước
Việc giá thịt lợn tăng cao, tôi nghĩ rằng cần chia sẻ với ngành nông nghiệp bởi những thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 đã gây nên cú sốc về giá cả. Trong cơ chế thị trường, nếu tác động vào cung để nguồn cung dồi dào thì giá sẽ giảm, nếu không làm chủ được nguồn cung thì giá sẽ biến động.
Vì vậy, vừa qua Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn nhằm tăng nguồn cung, giải quyết vấn đề ổn định thị trường và giảm giá thịt lợn.
Chúng ta cũng cần khuyến khích người dân làm quen dần với các mặt hàng thịt lợn đông lạnh, gà, bò, cá và thay đổi dần thói quen sinh hoạt trước đây (sử dụng thịt giết mổ trong ngày). Đồng thời, khi giá thịt lợn quá cao, người dân cũng sẽ tự điều tiết trong sinh hoạt. Việc giá tăng hay giảm là do thị trường tự điều tiết chứ nhà nước không nên có những chính sách can thiệp quá sâu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, người nông dân không làm chủ được nên vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, lương thực phải được Nhà nước quan tâm, chú ý. Chúng ta cần có mặt trận của doanh nghiệp nhà nước để điều hành hay can thiệp vào thị trường khi cần thiết. Tuy vậy, qua việc này cũng cần có cái nhìn thấu đáo hơn và quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực nông nghiệp, thay vì chỉ chú trọng vào những vấn đề công nghiệp công nghệ cao.
Nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế khâu trung gian, nhưng theo tôi khâu này đôi khi cũng rất tốt vì giúp người nông dân tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn. Ở khâu này, rất cần sự can thiệp của Nhà nước bởi khoảng cách từ chỗ chăn nuôi về đến thành thị quá xa, dẫn đến chi phí lưu thông làm đội giá thành. Vì vậy, giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng sẽ kết nối từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ gần hơn và làm giảm chi phí trung gian. Không những thế, nếu cơ sở hạ tầng vùng nông thôn được hoàn thiện, kết nối thì sẽ có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Thực tế cho thấy, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp có rất ít nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, thậm chí doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này cũng đếm trên đầu ngón tay.
Bởi vậy, phải làm sao giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và các vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết đơn giản hơn rất nhiều.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Hỗ trợ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn
Để gia tăng thêm nguồn cung, mới đây Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương ký hợp đồng nhập khẩu lợn từ Thái Lan. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có kêu gọi người dân chuyển sang tiêu dùng các loại thịt khác. Đây là những giải pháp tình thế để góp phần giảm thiểu những khó khăn về nguồn cung và tạm thời đưa giá thành thịt lợn xuống mức thấp hơn.
Tuy nhiên, lâu dài và cốt lõi của vấn đề này là phải phục hồi và tái đàn cho đàn lợn của Việt Nam. Ngoài doanh nghiệp lớn đã tái đàn thì giờ cần chú trọng tới tái đàn cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ vì nhiều tỉnh 100% không còn đàn lợn nữa. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chăn nuôi phát triển được cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ, tuy nhiên họ không có vốn để mua giống tái đàn vì giá quá cao.
Theo tôi, Chính phủ cần có những hỗ trợ thiết thực cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bằng nhiều hình thức. Chính phủ hoặc địa phương có thể hỗ trợ người dân vay tín dụng với lãi suất bằng 0, lãi suất nhà nước chịu hoặc hỗ trợ bằng tiền trực tiếp trên từng con giống. Hiện nay, Hà Nội có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tại Hà Nội tái đàn nên các tỉnh khác cũng cần xem xét hình thức hỗ trợ này.
Nếu làm tốt thì đầu năm 2021, giá lợn sẽ trở về trạng thái ban đầu chứ không phải "nhảy múa" như hiện nay.