Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để sản xuất và tiêu dùng bền vững

Ngày 16/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức "Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn” với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường phát biểu tại sự kiện.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc thông qua vào năm 2015, đã đưa ra một kế hoạch chung về hòa bình và thịnh vượng cho con người và hành tinh của chúng ta trong hiện tại và tương lai, kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia trong bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế carbon trung tính, không phát thải vào năm 2050.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, các sáng kiến về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn… là những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đe dọa đến sự phát triển bền vững.

Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đáng chú ý, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh, trong gần 40 năm qua, phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Trước những vấn đề đặt ra ở trên, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách khá kịp thời được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, thể chế hóa mục tiêu phát triển KTTH trong hệ thống pháp luật và thực tiễn để giải quyết những vấn đề đặt ra. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030; trong các Nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đô thị hóa, nông nghiệp, - nông thôn,  -nông dân, phát triển các vùng... đã có định hướng.  

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định định nghĩa KTTH là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Luật cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện KTTH.

Cùng với đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH. 

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện KTTH ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện KTTH ở cấp độ quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng”.

Do vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động. Cùng với đó, ông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.

Tiên phong tại Việt Nam trong sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa thông qua mô hình hợp tác công tư (PPC), Unilever hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác khác triển khai trong 3 năm qua, giúp phân loại tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa.  

Chia sẻ về sáng kiến này tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết sáng kiến nhằm quản lý vòng đời sản phẩm và mong muốn nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trên quy mô của toàn quốc. Sáng kiến này được khởi nguồn từ việc Unilever cùng các đối tác quan sát thấy hàng năm Việt Nam tiêu thụ 3 triệu tấn nhựa ở Việt Nam nhưng mới thu gom và tái chế 33% lượng nhựa này.

 "Xét về mặt kinh tế, chúng ta đang mất gần 70% giá trị của vật liệu nhựa, tương đương với gần 3 tỷ USD/năm; đồng thời, thải ra môi trường rác thải nhựa và gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng", bà Vân khẳng định.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo của Unilever Việt Nam, Việt Nam phải bẻ hướng dòng chảy của nhựa theo hướng tuần hoàn và quay lại để phục vụ đời sống con người thay vì bị thải bỏ.

Những năm qua, các đơn vị tích cực thúc đẩy những sáng kiến và phát triển sản phẩm để cải thiện vật liệu bao bì một cách phù hợp để tuần hoàn. Đến nay Unilever Việt Nam có khoảng 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc sẽ dễ dàng phân hủy. Đồng thời, cũng cắt giảm được 52% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.  Tuy nhiên, theo bà Vân, cần phải hợp tác nhiều phía mới giải quyết được vấn đề, quan trọng nhất là phải xây dựng được nhận thức trong cộng đồng.  

Hiện không chỉ những tập đoàn lớn Unilever Việt Nam nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đưa ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn.  Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều thị trường chủ lực của Việt Nam đang định hướng "xanh hoá", doanh nghiệp xuất khẩu Việt cũng đang chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn mới và cam kết mạnh mẽ về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái.

Thu Trang/Báo Tin tức
Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN