TTXVN xin giới thiệu bài viết của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung liên quan đến tăng trưởng kinh tế quý I/2024 và các giải pháp thực hiện nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Chưa hết khó khăn
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 tăng 5,66%, cao hơn 2,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) tăng 6,28% và khu vực dịch vụ (khu vực III) tăng 6,12%. So với kịch bản tăng trưởng GDP theo quý để cả năm 2024 đạt mục tiêu tăng 6% - 6,5% thì khu vực I tăng đúng bằng kịch bản (chỉ thấp hơn 0,02 điểm phần trăm); khu vực II cao hơn 0,78 điểm phần trăm so với mức cao trong kịch bản; khu vực III thấp hơn từ 0,18 đến 0,38 điểm phần trăm so với mức thấp và mức cao trong kịch bản.
Bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I/2024 cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế. Tuy vậy, chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm; chăn nuôi lợn và gia cầm vẫn tăng nhưng đang phải đối mặt với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, chất lượng thấp, giá rẻ chỉ bằng 50% giá trong nước.
Cùng với nhập khẩu chính ngạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế, có một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch. Điều này sẽ làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh thực phẩm quốc gia. Đặc biệt, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3 đến 5 năm tới khi dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0%, thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Khu vực công nghiệp và xây dựng khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,28%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, cùng với ngành xây dựng tăng 6,83% đã lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ vẫn giữ được vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng đạt 6,12%, nhưng tăng chậm lại so với tốc độ tăng 6,79% của quý I/2023. Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực III như: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đều có mức tăng thấp hơn so với quý I/2023.
Không những thế, tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức cao, gấp 1,23 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I năm nay, để tốc độ tăng GDP cả năm đạt 6% trở lên đòi hỏi tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại trong năm phải đạt trên 6,2%, đây là mức tăng không dễ đạt được trong thực tế khu vực I khó có thể tăng cao trong cả năm; vốn đầu tư công thấp hơn năm trước; khu vực dịch vụ tăng chậm lại do các hộ gia đình vẫn khó khăn về tài chính.
Mặt khác, do tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế phục hồi chậm; thị trường đầu ra của doanh nghiệp vẫn trầm lắng. Tính đến ngày 19/3, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng ở mức 0,46% so với cuối tháng trước và giảm 0,26% so với cuối năm 2023 là những nguyên nhân chủ yếu kiểm soát tốt lạm phát trong 3 tháng đầu năm 2024 với kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 1,12% so với tháng 12/2023; tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, CPI bình quân tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Xét các yếu tố trong và ngoài nước gây nên biến động giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong 3 quý còn lại, khả năng kiểm soát lạm phát năm 2024 như mục tiêu đặt ra là khả thi. Tuy vậy chúng ta không nên chủ quan vì các áp lực lạm phát còn rất lớn.
Tận dụng hiệu quả của xuất khẩu
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024 của nước ta là xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD, phản ánh vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế. Điều này cũng phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc củng cố và thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tạo sự ổn định vĩ mô thông qua gia tăng nguồn lực ngoại tệ trong bối cảnh giá trị đồng USD tăng, tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy vậy, xuất siêu của nền kinh tế vẫn dựa vào khu vực FDI, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu. Bên cạnh đó, xuất siêu 3 tháng đầu năm do xuất khẩu rau quả và gạo vẫn tiếp được đà của quý 4 năm trước; ngành dệt may, da giầy đã có được đơn hàng mới đến hết tháng 6/2024. Tuy vậy những lợi thế này được nhận định khó duy trì trong cả năm 2024.
Bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế có thêm sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước đạt 26,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,9% của khu vực FDI; tuy vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chỉ chiếm gần 27,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Xuất, nhập khẩu hàng hoá vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.
Cùng với đó, tiếp theo dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản và gạo tăng ở mức cao với 2 con số, gấp 1,34 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước của mặt hàng rau quả tăng 31%; mặt hàng nông sản (điều, cà phê, chè, hạt tiêu) tăng 31,4%; gạo tăng 44,2%.
Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; dệt may tăng 7,9%; giày dép tăng 11,7%. Bên cạnh đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 14,5 %, phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.
Tuy vậy, theo đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào số ít thị trường. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 28,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 34,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều này phản ánh hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế của Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các cú sốc, những bất ổn kinh tế và điều chỉnh chính sách thương mại để hạn chế thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá của các đối tác thương mại này.
Phát huy động lực đầu tư công, thu hút và giải ngân vốn FDI
Trong quý I/2024, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo và đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội cho phát triển, tạo không gian phát triển mới cho nền kinh tế. Do vậy, vốn đầu tư công thực hiện quý I ước đạt 97,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự năng động trong cải cách môi trường thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện.
Cùng với đó, Chính phủ đã nới lỏng quy định sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết làm giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.
Những thế mạnh của nền kinh tế đã biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến đáng đầu tư nhất. Trong quý I/2024 vốn FDI đăng ký đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI giải ngân rất tích cực, đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1%, tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết của họ tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2024 là số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. Trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước có 644 dự án được cấp phép, tăng 23,4%; với số vốn đăng ký đạt 4,77 tỷ USD, tăng 57,9%. Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cần làm gì để thực hiện thành công mục tiêu đã đặt ra?
Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà thuận lợi phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ và các địa phương cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:
Một là, đầu tư công là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năm nay cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công…
Hai là, với nền tảng chính trị xã hội ổn định và kinh tế phục hồi vững chắc đưa đến triển vọng tạo sự đột phá trong thu hút vốn FDI năm 2024 của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ; hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và quy định rõ, đơn giản các thủ tục liên quan tới quyền sử dụng đất; phòng cháy chữa cháy…
Ba là, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng. Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu. Đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này.
Bốn là, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp.
Năm là, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới. Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới. Chính phủ cần xác định cụ thể phải làm gì; tập trung đầu tư, phát triển ngành nào trong lĩnh vực công nghệ cao; có giải pháp phù hợp và thực thi hiệu quả để biến tiềm năng thành hiện thực, trở thành cường quốc trong xuất khẩu công nghệ cao.
Sáu là, để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô; đồng thời, đánh giá tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý. Từ đó, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm tác động đến mức sống của người dân.