Đây là hoạt động nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy hải sản an toàn giữa tỉnh Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu là trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác đến cơ sở giết mổ, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đã tăng cường phối hợp để kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc.
Các loại hải sản tươi sống an toàn của Bình Thuận sẽ được tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Saigon co.op cung cấp |
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, mục tiêu của việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là làm sao để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm. "Việc hợp tác đảm bảo chất lượng hàng hóa tại nguồn hết sức quan trọng, nếu được kết hợp với đơn vị phân phối uy tín, có hệ thống tiêu thụ rộng khắp thì sẽ tạo được cộng hưởng, giúp chuỗi thực phẩm an toàn được phát huy tối đa hiệu quả. Thị trường 10 triệu dân của TP Hồ Chí Minh chính là thị trường đầy tiềm năng đầu tiên của những sản phẩm chất lượng sở trường của tỉnh Bình Thuận như hải sản, thanh long và các loại nông sản khác", bà Lan cho biết.
Sau buổi khảo sát, giữa Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã có buổi ký kết hợp tác, với 3 nội dung chính: Phối hợp như xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; cùng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản an toàn của tỉnh Bình Thuận tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản.
Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2020 có ít nhất 50% sản lượng nông sản, thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm. Bên cạnh một số kết quả khích lệ, hiện tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết cung ứng tiêu thụ sản phẩm, vì vậy việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng đối với TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nếu thực hiện tốt chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng.
Sau thủy sản, Saigon Co.op còn mong muốn mở rộng danh mục sản phẩm của tỉnh Bình Thuận tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, đặc biệt là sản phẩm đặc trưng của tỉnh là trái thanh long.