Xây dựng quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ

Ngày 28/9, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức họp bàn xây dựng Quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tàu khai thác thủy sản của ngư dân tại bến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Tờ trình của Tổng cục Thủy sản, mục tiêu của Quy hoạch nhằm đưa nghề khai thác hải sản xa bờ cơ bản được công nghiệp hóa vào năm 2020, hiện đại hóa vào năm 2030; đưa ra được các mô hình tổ chức sản xuất hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện nguồn lợi. Bên cạnh đó, nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Cụ thể, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác xa bờ khoảng 1,62 triệu tấn. Đối với tàu khai thác xa bờ, giảm số lượng tàu kéo lưới và tăng số tàu câu, lưới vây và nghề khác. Số lượng tàu dịch vụ hậu cần khoảng 1.480 chiếc; giải quyết việc làm cho khoảng 231.100 lao động khai thác xa bờ.

Đến năm 2030, vẫn giữ nguyên sản lượng khai thác và số lượng tàu khai thác xa bờ như năm 2020; trong đó vẫn tiếp tục giảm số lượng tàu lưới kéo và tăng số tàu câu, lưới vây và nghề khác. Số tàu dịch vụ hậu cần khoảng 1.570 chiếc; giải quyết việc làm cho khoảng 243.300 lao động.

Các tàu vỏ thép đã hoàn thành chuẩn bị bàn giao cho chủ tàu đánh bắt thủy sản xa bờ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2018 - 2030 là 42.209 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2018 - 2020 là 19.504 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2030 là 22.750 tỷ đồng. Vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn từ ngân sách Trung ương, địa phương, các thành phần kinh tế trong nước và tài trợ từ nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác cho rằng: Việc ban hành quy hoạch này là rất cần thiết, đây là công cụ quản lý tàu cá, sản lượng khai thác. Bởi hiện nay, các địa phương chưa quản lý được số lượng tàu, sản lượng khai thác...

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục Thủy sản cần phải làm rõ lại các vấn đề liên quan đến số lượng tàu, phạm vi đánh bắt trên biển, chuyển đổi nghề, giảm số lượng tàu sử dụng lưới kéo... Bên cạnh đó, các giải pháp cần thực hiện theo hướng nhằm ổn định hoặc giảm sản lượng khai thác, nâng cao chất lượng.

Đối với việc quản lý đóng mới tàu cá cần phải nghiên cứu kỹ, bởi hiện nay tàu cá đóng tự do là rất đang lo ngại. Quy hoạch cũng chưa tính đến hạ tầng, dịch vụ nghề cá, khu neo đâu tránh trú bão...

Do đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Tổng cục Thuỷ sản cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn chỉnh trước khi ban hành để Quy hoạch này phù hợp với Luật Thuỷ sản 2017 và Luật Quy hoạch sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Thành Trung (TTXVN)
Khánh Hòa tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ
Khánh Hòa tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ

Tỉnh Khánh Hòa đang tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác thủy sản bằng các nghề đã bị cấm ở các đầm, vịnh biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN