Quảng Ngãi thất thoát nguồn thu hải sản do nhiều cảng cá xuống cấp

Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá đã được xây dựng gồm Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á, Sa Kỳ và Sa Huỳnh. Do được xây dựng đã lâu nên hầu hết các cảng cá này đã xuống cấp, chủ yếu chỉ đáp ứng được việc neo đậu cho các phương tiện tàu cá có công suất nhỏ.

Tàu thuyền chuẩn bị ra quân đánh bắt hải sản xa bờ tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Ảnh: Thanh Long/TTXVN

Hơn nữa, các bãi neo, đậu tàu cá thì lạc hậu, xuống cấp gây khó khăn cho các phương tiện tàu cá ra vào đánh bắt và bán sản phẩm. Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Quảng Ngãi vừa thiếu lại vừa yếu không đáp ứng được nhu cầu bán sản phẩm cũng như mua sắm nhiên liệu, ngư lưới cụ cho mỗi chuyến ra khơi đang là thực trạng chung ở các cảng cá của Quảng Ngãi. Trong khi đó, tàu công suất lớn ngày càng nhiều nên hiện có khoảng 60% tàu cá khai thác xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi chỉ cập cảng ở các tỉnh bạn bán sản phẩm.

Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện có khoảng trên 60% tàu xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi cập cảng trên toàn quốc vì các dịch vụ hậu cần ở Quảng Ngãi còn quá lạc hậu và hệ thống luồng lạch bị bồi lấp, tàu không vào được. Điều này thấy rõ nhất là cứ tới ngày Tết từng đoàn xe từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Nẵng ngư dân về ăn Tết, sau đó lại quay ra.

Theo thống kê của ngành thủy sản, Quảng Ngãi hiện có 5.514 phương tiện tàu đánh cá; trong đó, có hơn một nửa là tàu đánh bắt xa bờ nhưng thực chất, số phương tiện cập vào các cảng cá ở Quảng Ngãi bán sản phẩm khá khiêm tốn. Đơn cử, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh trong 9 tháng đầu năm đạt trên 140.000 tấn nhưng số lượng sản phẩm cập cảng, bán ở Quảng Ngãi chưa tới 12.000 tấn, tức là không đến 10% sản lượng khai thác. Hầu hết, các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi đều cập bến ở Đà Nẵng hoặc các tỉnh lân cận để buôn bán thủy sản hay mua sắm nguyên vật liệu phục vụ cho phiên biển mới.

Dù là tỉnh được Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá từ nguồn vốn của Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về  về một số chính sách phát triển thủy sản, và Quảng Ngãi cũng đã trình các danh mục đầu tư và xin kinh phí, nhưng thực tế, qua hơn 3 năm triển khai Nghị định này, Quảng Ngãi vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí nào để đầu tư.

Để giải quyết bài toán kinh phí, đồng thời góp phần giúp ngư dân vững tin vươn khơi, nâng cao thu nhập, tỉnh Quảng Ngãi đang kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá theo hình thức xã hội hóa. Nếu không giải quyết tốt và phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá thì rõ ràng Quảng Ngãi đang mất đi thế mạnh phát triển kinh tế biển của địa phương này.

Sỹ Thắng (TTXVN)
Phú Yên nạo vét thông luồng vào cảng cá Đông Tác
Phú Yên nạo vét thông luồng vào cảng cá Đông Tác

Để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp cho tàu thuyền ra vào cảng cá Đông Tác (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) theo kiến nghị của ngư dân được thuận lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã cho phép tiến hành dự án nạo vét thông luồng vào cảng cá Đông Tác từ nay đến 20/10/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN