Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2024 của địa phương thấp hơn so với mức trung bình chung của cả nước. Nhiều cá nhân phải thẳng thắng thừa nhận trách nhiệm của mình, chứ không thể cứ mãi đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng thông thường, khó khăn do thời tiết không thuận lợi hay do cơ chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề, nếu cứ mãi đổ lỗi cho cơ chế là nguyên nhân của mọi khó khăn, thì tại sao cũng cơ chế ấy, chính sách ấy, nhưng địa phương này thực hiện được, làm được, công việc trôi chảy, tỷ lệ giải ngân đạt cao, còn địa phương kia thì ngược lại. Mấu chốt ở đây là trách nhiệm của từng người, từng chủ đầu tư, từng địa phương, đơn vị.
“Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chậm một phần là do chủ quan. Thực tế cho thấy, ở không ít địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, tình trạng sợ trách nhiệm, thờ ơ trong công tác chỉ đạo điều hành không phải là cá biệt và không ít cán bộ thừa hành công việc nhưng lại yếu kém về năng lực chuyên môn. Đây mới là những nguyên nhân chính, khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 tuy có chuyển biến tốt hơn những năm trước, song vẫn chưa đạt như kỳ vọng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhận xét.
Là địa phương có tỷ lệ vốn giải ngân cao nhất trong tỉnh, bà Phan Thị Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huyện đã thành lập các tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch làm tổ trưởng về từng địa phương để cùng với các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công. Điển hình như trong quá trình thi công tuyến đường liên kết vùng, ban đầu nhiều hộ dân có hồ nuôi tôm ở xã Bình Nam không chịu nhận tiền đề bù, song qua vận động và giải thích về lợi ích lâu dài, những hộ dân này đã vui vẻ nhận tiền đền bù, bàn gia mặt bằng cho đơn vị thi công.
Khâu giải phóng mặt bằng thường rất khó khăn, song không phải là không giải quyết được. Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, trong quá trình giải phóng mặt bằng phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, đảm bảo tái định cư, hỗ trợ sinh kế cho người dân một cách minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật. Khi đã có mặt bằng, địa phương yêu cầu đơn vị thi công phải xúc tiến ngay việc thi công một cách nhanh nhất có thể. Nhờ vậy, các dự án trên địa bàn đã cơ bản tháo gỡ được điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, nhờ vậy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương luôn ở mức cao so với các địa phương khác trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung nêu lý do, khó khăn lớn nhất của địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị đất thu hồi ở vùng nông thôn và giá trị đất được bố trí tái định cư tại các vùng ven, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, khiến người dân gặp khó khăn trong việc xây dựng lại nhà ở. Mặt khác, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu thông thường cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình trọng điểm được thi công cầm chừng.
Tại buổi làm việc với các địa phương, các chủ đầu tư vào đầu tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ, áp lực giải ngân thời gian còn lại rất lớn, do đó cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc, phải giải ngân hết 100% vốn từ năm trước chuyển sang, tuyệt đối không được phép để mất vốn, không thể cứ mãi đổ lỗi cho nguyên nhân khách qua là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khó khăn do giá vật liệu tăng cao, khó khăn vì thời tiết, khó khăn do cơ chế.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. UBND tỉnh Quảng Nam sẽ trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, các cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024.
Theo Phó Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam Phạm Văn Phong, năm 2024, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam, bao gồm vốn của 2 năm trước chuyển sang đã lên đến 8.910 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 10/2024, tỉnh mới giải ngân đạt trên 43%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là cần đạt 60% vào cuối tháng 9/2024. Số vốn còn lại phải giải ngân rất lớn, nếu không quyết liệt thì chắc chắn sẽ mất vốn.