Không bảo lãnh vay vốn cho EVN để đảm bảo nợ công an toàn

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hậu Giang về việc Chính phủ hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay vốn nước ngoài, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Để đảm bảo cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị EVN cần chủ động nguồn lực tài chính.

Chú thích ảnh
Ngành điện hoàn toàn có thể đi vay thương mại với lãi suất thị trường. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN.

Theo đó, phía EVN cần nghiên cứu vay vốn theo phương thức tự vay, tự trả trên thị trường trong nước hoặc quốc tế mà không có bảo lãnh Chính phủ. 

Theo cử tri tỉnh Hậu Giang, ngành Điện đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, dự báo nhu cầu tăng điện khoảng 14 - 15%/năm trong giai đoạn 2016 - 2025. Nhằm bảo đảm cho sự phát triển lưới điện quốc gia trong thời gian tới, cử tri tỉnh này cho rằng, cần phải huy động nguồn vốn lớn để đầu tư. Do đó, cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này được tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt là vốn ODA, hỗ trợ cho vay đối với các dự án của ngành Điện.

Trước vấn đề này, phía Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã huy động được một lượng lớn nguồn lực vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển song phương để đầu tư phát triển năng lượng. Ngoài các khoản vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho phát triển ngành Điện, chỉ tính riêng tổng dư nợ vay vốn ODA và vay ưu đãi cho ngành Điện đến nay là khoảng 7,99 tỷ USD, chiếm khoảng 44,37% trong tổng số dư nợ Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại. 

Trong các năm gần đây, theo Bộ Tài chính, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và mức độ tín nhiệm của Việt Nam được nâng cao, ngành Điện đã bắt đầu thực hiện một số khoản vay thương mại trong nước không có bảo lãnh Chính phủ. Điều này cho thấy, ngành Điện hoàn toàn có thể đi vay thương mại và chấp nhận được với lãi suất thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, tốt nghiệp IDA của Ngân hàng Thế giới (WB) từ ngày 1/7/2017 và tốt nghiệp ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ ngày 1/9/2018. Nguồn vốn ODA và vay ưu đãi giảm dần, tiến tới vay thương mại hoàn toàn theo điều kiện thị trường. Đồng thời, trong bối cảnh trần nợ công đang sát ngưỡng giới hạn cho phép, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025.

Quyết định nêu rõ: Nghiên cứu áp dụng cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của WB, ADB và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác không cần bảo lãnh của Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Minh Phương/Báo Tin tức
Bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp
Bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: Cơ chế bảo lãnh thông quan (BLTQ) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được triển khai tại Việt Nam trong 2 năm tới, nhằm giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giải phóng hàng nhanh, dù chưa hoàn thành thủ tục hải quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN