Theo các doanh nghiệp, để được thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc về hàng hóa như: Nộp các khoản thuế, phí, thu khác; nếu sai phạm còn phải chịu trách nhiệm chấp hành các hình thức phạt tiền hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng mong muốn được thông quan, sau đó sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp theo. Vì vậy, BLTQ chính là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định mà vẫn được thông quan hàng hóa nhanh.
“Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, BLTQ sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay. Khi hàng hóa nhanh được đưa về bảo quản đồng nghĩa chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu; có thể nhanh chóng đưa vào sản xuất hoặc lưu thông ra thị trường và thu hồi vốn”, ông Mai Xuân Thành nói.
Tại Hội thảo "Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" diễn ra sáng 5/4, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Ở góc độ hải quan, BLTQ sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Còn với cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hóa, BLTQ giúp kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm.
Các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại Toàn cầu (GATF) tại Hoa Kỳ đánh giá: BLTQ sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.
Theo ông Nguyễn Văn Hường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, việc rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, thu hút số doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu ngày càng tăng, nhờ đó thu ngân sách tăng.
“Năm 2018, thời gian thông quan hàng hóa được rút ngắn còn tối đa 24 giờ đối với hàng nhập khẩu; 4 giờ 12 phút với hàng xuất khẩu (hàng nhập khẩu giảm 10 giờ và hàng xuất khẩu giảm 6 giờ so với năm 2017). Sau 1 năm hoạt động, hệ thống giám sát hàng hóa tự động, địa điểm thông quan hàng hóa tập trung tại thành phố Móng Cái đã đạt được mục tiêu tăng số lượng tờ khai, tăng kim ngạch, tăng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước. Trong quý I, đơn vị đã thu hút và làm thủ tục cho 664 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thu ngân sách từ xăng dầu nhập khẩu đạt 944 tỷ đồng, chiếm 36% tổng thu, vượt chỉ tiêu 78% so với dự kiến; thu từ hoạt động nhập khẩu than đạt hơn 453 tỷ đồng, tăng đến 659% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh nghiệp nhập khẩu than cốc về phục vụ sản xuất”, ông Nguyễn Văn Hường nói.
Để tạo thuận lợi thúc đẩy giao thương quốc tế, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới. Mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai cơ chế BLTQ dự kiến chia thành 3 giai đoạn: Trước mắt thí điểm dự kiến trong 2 năm (2021-2022), tiến hành mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động bảo lãnh như: Bảo lãnh nộp thuế (hàng kinh doanh, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp giấy chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh việc đưa hàng hóa về bảo quản. Sau đó hải quan sẽ mở rộng giai đoạn năm 2022-2023, áp dụng BLTQ đối với các loại hình tạm nhập tái xuất khác; bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu của các bộ, ngành đối với một số mặt hàng; bảo lãnh các trường hợp có tranh chấp trong việc áp dụng chính sách quản lý, chính sách thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Dự kiến chính thức áp dụng BLTQ từ năm 2024.
Tuy nhiên để có thể triển khai được cơ chế BLTQ đối với hàng XNK cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản Luật để bảo đảm cơ sở pháp lý khi thực hiện.