Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Hậu Giang, Quảng Ngãi và trên 200 đại biểu là các nhà phân phối, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu; hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện ngành công thương các tỉnh đã giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ hội đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực. Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, phân phối chia sẻ những thuận lợi, khó khăn về thị trường và nhu cầu tiêu thụ, kết nối thu mua, cũng như đề xuất những giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 8/2023 ước đạt 130 triệu USD. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk ước đạt 1.030 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 64,4% kế hoạch năm. Tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về sản xuất nông nghiệp, nhiều nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng…
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, thị trường trong nước và quốc tế đang những gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ngành công thương tỉnh Đắk Lắk đã và đang chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả cao là tổ chức Hội nghị kết nối giao thương nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có không gian gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản.
Hội nghị kết nối giao thương là nền tảng kết nối đa bên quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu đa dạng của nhiều thị trường, tiếp cận những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối; tập hợp được các ngành hàng phục vụ cho nhu cầu phát triển, khơi thông dòng chảy của các sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài nước. Hội nghị còn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa thế mạnh của tỉnh, giúp phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân
Dịp này, Sở Công Thương tỉnh Long An ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. 17 thỏa thuận hợp tác khác giữa nhà cung cấp sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu trong cả nước đã ký kết tại hội nghị. Bên lề hội nghị, các tỉnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực ở các gian hàng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Ngô Văn Lê cho biết, mỗi vùng miền, mỗi tỉnh có thế mạnh riêng và có những mặt hàng nông sản, đặc sản riêng. Việc kết nối giao thương, ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ giúp doanh nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm nông sản của hai tỉnh Long An và Đắk Lắk kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, từng bước quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Sau Hội nghị kết nối giao thương, Sở Công Thương tỉnh Long An sẽ thúc đẩy, hỗ trợ để doanh nghiệp của tỉnh kết nối với doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk; từ đó cung ứng, trao đổi, hợp tác, đa dạng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản của nông dân.