Nhiều sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Nếp tan Mường Và là một giống lúa đặc sản thơm ngon nổi tiếng ở vùng đất biên cương Sốp Cộp. Giống lúa này đã gắn bó với cộng đồng dân tộc thiểu số như: người Thái, người Lào từ bao đời nay. Từ năm 2009, Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản tỉnh Sơn La nghiên cứu, phục tráng và đưa vào sản xuất giống nếp tan nhằm nâng cao năng suất trên diện tích canh tác, chất lượng gạo đồng đều, ổn định và thích hợp với điều kiện tại địa phương; đồng thời, khôi phục lại những điểm quý vốn có của giống. Đây là cơ sở xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nếp tan đặc sản của huyện Sốp Cộp.
Đến tháng 10/2018, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 64402/2018 cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận là gạo nếp tan được sản xuất từ các giống nếp tan Hin, tan Đỏ, tan Nhe; được sản xuất theo quy trình kỹ thuật do UBND huyện Sốp Cộp ban hành, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, nếp tan đã được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu "Nếp Mường Và - Sốp Cộp." Đồng thời, lúa nếp tan Mường Và là một trong 110 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Huyện Sốp Cộp đã xây dựng được hệ thống nhận diện cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận "Nếp Mường Và - Sốp Cộp.
Bà Trần Thị Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La thông tin, để sản xuất ra sản phẩm phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu chứng nhận, lúa nếp tan phải tuân thủ các quy tắc ngặt nghèo từ các bước như làm mạ, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Việc được chứng nhận nhãn hiệu “Nếp tan Mường Và - Sốp Cộp” có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm quảng bá thương hiệu, thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trao đổi và ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp đặc sản, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đã được bảo hộ, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Sơn La là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng cà phê (Arabica) lớn hàng đầu cả nước với gần 20 nghìn ha. Nơi đây được xem là vùng đất mới giúp định vị lại hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Để phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”, hiện nay, nhiều nông hộ, Hợp tác xã trồng cà phê đã phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La, từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong và ngoài nước...
Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao giá trị cho cây trồng này. Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đồng thời, đơn vị đã đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. Cà phê bột nguyên chất của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La chia sẻ: “Chúng tôi đã định hướng chuyển sang trồng cà phê hữu cơ từ năm 2018, sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chuyển giao giống mới. Đến nay, đã trồng 150 ha cà phê đặc sản giống Eakmat. Giống cà phê này này kháng được bệnh, thích nghi môi trường hiện tại, năng suất, giá trị cao hơn”.
Dấu mốc trong quá trình phát triển cây cà phê ở Sơn La là vào năm 2017 khi sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Từ đó, cà phê trở thành sản phẩm đặc sản vùng miền, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Ông Vương Hồng Hải, Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La cho biết, một trong những giải pháp của tỉnh để nâng tầm thương hiệu cà phê là tập trung vào sản xuất cà phê sạch, chất lượng cao; đồng thời, hỗ trợ cho khâu quảng cáo, tiếp thị sản phẩm để giữ vững thương hiệu và chỉ dẫn địa lý của cà phê Sơn La.
Phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực
Hiện nay, xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp triển khai 24 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh (1 dự án cấp quốc gia, 23 dự án cấp tỉnh).
Đến nay, địa phương có 24 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là cà phê Sơn La;18 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; ba sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, sản phẩm Chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm nông sản sau khi đăng ký thành công thương hiệu, ngày càng khẳng định giá trị, uy tín và chất lượng trên thị trường.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La Lưu Bỉnh Khiêm cho biết, các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ đã phát huy được giá trị, mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để chế biến sâu sản phẩm. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển "thương hiệu" cho 3 sản phẩm: Thanh long Sơn La; Gạo Phù Yên; Rượu Hang Chú Bắc Yên. Ngoài ra, đơn vị hoàn thiện dự án đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sơn La” tại Trung Quốc cho sản phẩm nhãn và xoài.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai dự án cấp Quốc gia “Đăng ký bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ việc quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch long hồ Sông Đà của tỉnh Sơn La”; đồng thời, triển khai quy trình xây dựng thương hiệu gồm: Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”, “Dứa Sơn La”, “Chè Tà Xùa Bắc Yên”.