Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức, nhằm tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng; từ đó đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.
Tham gia Tuần hàng có hơn 40 doanh nghiệp, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và 18 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Kom Tum, Hưng Yên, Hà Nam, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Quảng Ninh, Bình Định.
Sự kiện Tuần hàng là cơ hội gặp gỡ giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh của các làng nghề truyền thống đến người tiêu dùng nhằm tạo động lực tích cực để xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, toàn thành phố hiện đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%). Trong đó, 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Riêng huyện Thạch Thất có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Thực hiện Chương trình OCOP, toàn huyện đang có 142 sản phẩm đạt từ 3-4 sao.
Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là “cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.