Tại cuộc gặp hồi đầu tháng này, đại diện các nước OPEC+ đã không thể đạt được thống nhất về kế hoạch nới lỏng quy định cắt giảm sản lượng vốn được áp dụng để ngăn chặn đà suy giảm của giá dầu ở thời kỳ đầu bùng phát đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ lại tăng mạnh, với mức 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng 6 vừa qua theo đánh giá của IAE, tức cao hơn 1/3 so với mức đáy hồi năm ngoái.
IEA nhìn nhận nhu cầu có thể tăng lên 3,3 triệu thùng/ngày trong cả quý 3 năm nay. Lượng tiêu thụ này sẽ lớn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 sau khi đã có điều chỉnh số liệu theo mùa vụ. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc nhiều nước nới lỏng hạn chế, giãn cách COVID-19, chiến lược tiêm chủng vaccine có bước tiến.
OPEC+ từng nhiều lần có kế hoạch nâng dần sản lượng khai thác, nhưng bế tắc hiện nay đồng nghĩa với việc tổng sản lượng sẽ đóng băng ở mức hiện tại cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng. “Giá dầu phản ứng rất nhanh với bất đồng của OPEC+ tại cuộc họp tuần trước, dẫn đến nguy cơ thâm thủng nguồn cung nếu không có đồng thuận tăng sản lượng”, báo cáo tháng mới nhất của IEA nhìn nhận.
Phần lớn các hợp đồng kỳ hạn hiện nay được giao dịch ở mức giá 75 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích không loại trừ giá dầu sẽ lên ngưỡng 100 USD/thùng. Nhưng cũng còn một kịch bản khác: Nếu OPEC+ đạt thỏa thuận tăng sản lượng, các nước thành viên mở rộng xuất khẩu và tìm cách giành giật thị phần, rất có thể sẽ dẫn đến đổ vỡ giá dầu.