Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,22 USD (1,6%) lên 75,84 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 1,76 USD (2,4%) lên 75,23 USD/thùng. Trong phiên, cả hai mặt hàng này có lúc tăng hơn 2 USD/thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Theo một số nguồn tin, giá dầu đã tăng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng cho đến ngày 2/7 để đàm phán thêm về chính sách sản lượng dầu, sau khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phản đối kế hoạch thu hẹp ngay lập tức chương trình cắt giảm nguồn cung.
Chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn độc lập Ritterbusch & Associates (Mỹ) nhận định sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán của OPEC+ là bất thường và cho thấy những bất đồng giữa các nước thành viên. Trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 0,4 triệu thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8-12/2021.
John Kilduff, đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital (Mỹ) cho rằng trong ngắn hạn OPEC+ dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia, đang tìm cách gây sức ép với các nước tiêu thụ và đưa ra mức giá cao hơn để bù đắp cho những thiệt hại hồi năm ngoái.
Trong khi đó, một số nhà giao dịch trên thị trường vẫn tỏ ra hoài nghi về dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Bob Yawger, một quan chức cấp cao của công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư Mizuho Securities (Nhật Bản), cho rằng dự báo nhu cầu dầu của OPEC không tính đến khả năng gia tăng nguồn cung từ Iran, sự lan rộng của biến thể Delta và tình trạng sử dụng xăng theo mùa của Mỹ.