Tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, dệt may là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu trọng điểm của cả nước. Năm 2017, ngành đã đạt 31,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu; năm 2018 đạt 36 tỷ USD. Năm 2019 đặt mục tiêu 40 tỷ USD. Mặc dù vậy, đây cũng là một trong những ngành công nghiệp có mức độ phát thải khí nhà kính cao, sau ngành điện và nhiệt, nông nghiệp, giao thông đường bộ và sản xuất dầu khí. Lĩnh vực này đang phải đối mặt với một số vấn đề xã hội và môi trường, gây ảnh hưởng đến danh tiếng của ngành dệt nói chung.
Do vậy, WWF-Việt Nam và Vitas đã phối hợp và triển khai Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”.
Dự án tham vọng chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp trở thành một ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2020, với mục tiêu chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam.
Ông Hoàng Việt- Quản lý chương trình Phát triển bền vững WWF cho biết, hiện nay khách hàng toàn cầu đang hướng tới sự bền vững môi trường khiến nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới thay đổi phương thức sản xuất; trong đó, đặc biệt nâng cao về tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Vì vậy, nếu không thay đổi phương thức sản xuất ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội.
Trên thực tế, dệt may là một trong những ngành có thể gây ra nhiều tác động đến môi trường nhất hiện nay. Quá trình sản xuất của ngành phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng cho đun nóng và tạo hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước, góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.
Tại các địa phương, các nhà máy, khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về xả thải nước do nhiều nguyên nhân khác nhau như không đủ nguồn tài chính đầu tư cho các thiết bị công nghệ xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, các chính sách và quy định quản lý tài nguyên nước và nước thải hiện tại khá phức tạp cùng với việc thực thi còn hạn chế. Điều này sẽ tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ và phương pháp sản xuất sạch hơn, từ đó có thể dẫn tới việc ngành khó tuân thủ quy định về môi trường.
Để góp phần giải quyết tình trạng này, tại hội thảo, bà Lê thị Minh Ánh, đại diện Vụ Chính sách pháp chế, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ về định hướng sửa luật bảo về môi trường trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất Nhà nước xem xét sửa đổi tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư: phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro tác động đến môi trường; cơ chế tăng cường kiểm soát; giấy phép môi trường sẽ được tích hợp chung trong các điệu kiện tại giấy phép (chứ không như trước kia nhiều giấy phép).
Bộ cũng sẽ có những đề xuất sửa đổi một số quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường: gắn quy chuẩn kỹ thuât về chất lượng môi trường xung quanh có tính tới yếu tố môi trường nền và đối tượng bị tác động, mức độ nhạy cảm của môi trường nơi thực hiện dự án…; đồng thời đề xuất trách nhiệm và việc phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường…