Ngành dệt may lương thấp nhất, đình công nhiều nhất

Đời sống của công nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đời sống của công nhân ngành dệt may. Mặc dù trong những năm qua, tiền lương tối thiểu luôn được nâng lên nhưng vấn đề quan tâm nhất hiện nay của người lao động là việc cải thiện thu nhập.

Lao động giá rẻ không phải là lợi thế

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), khảo sát tiền lương năm 2018 trong 7 ngành thì ngành may là ngành có tiền lương cơ bản thấp nhất. Tiền lương cơ bản trung bình của người lao động (làm đủ giờ) là 4.670.000 đồng, tăng 4,2% so với năm 2017. Tình trạng đình công trong ngành may cũng lớn nhất, chiếm đến 39% . Hầu hết liên quan điều kiện làm việc, tiền lương.

Chú thích ảnh
Lao động ngành may có mức tiền lương cơ bản thấp.

Viện dẫn nghiên cứu của Oxfam về “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” trong ngành công nghiệp may, ông Lê Đình Quảng cho biết, có đến 99% thu nhập của người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của Sàn lương châu Á (AFW). Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.

Tiền lương không đủ sống cũng dẫn đến các hệ lụy như 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay vợ từ bạn bè, người thân để bù lấp thiếu hụt chi tiêu.

Lý giải về lương ngành dệt may còn thấp, công Lê Đình Quảng cho biết, hiện nay ngành dệt may của Việt Nam vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào khâu gia công sản phẩm. Trong quá trình đàm phán, phần đa các nhãn hàng và doanh nghiệp không tăng phần tiền nhân công. Chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm là rất ít. Do đó, các công ty may cũng không có nhiều điều kiện để chi phí cho người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng, các doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động để tiết giảm các chi phí khác, nâng cao khả năng đàm phán tiền lương khi ký kết, thỏa thuận với các nhãn hàng, quan tâm hơn đến người lao động.

“Đã đến lúc chúng ta đừng lấy nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư cũng như đàm phán hợp đồng. Lương tối thiểu vùng chỉ là sàn chung, nhưng cũng rất quan trọng để nâng lương cho người lao động. Chúng tôi đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27 của Chính phủ, đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đạt được mức sống tối thiểu”, ông Quảng đề xuất.

Còn theo bà Kim Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành trung tâm phát triển và hội nhập CDI, lương thấp là một thực tế không phải mới. Để có bảng lương đáp ứng được sự kỳ vọng của người lao động thì vai trò của công đoàn trong quá trình thương lượng là rất quan trọng. Chừng nào vai trò của công đoàn chưa được thể hiện rõ nét thì thang bảng lương vẫn phụ thuộc phần lớn vào quyết định của người chủ doanh nghiệp.

Khảo sát về mức lương tối thiểu vùng

Để chuẩn bị cho cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia tới đây bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát báo cáo tình hình thực hiện, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai mức lương tối thiểu vùng năm 2019 theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP của các DN thuộc địa bàn quản lý.

Cục Quan hệ Tiền lương và Quan hệ lao động (Bộ LĐTBXH) cũng sẽ phối hợp với các bên liên quan khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành và 8 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Cuộc khảo sát hướng tới các doanh nghiệp được điều tra có trên 10 lao động và thuộc đầy đủ 3 quy mô nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp dưới 100 lao động, dưới 300 lao động và trên 300 lao động. Trong đó, 3 tỉnh có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với khoảng 150 doanh nghiệp/thành phố.

“Trước đây, Bộ Luật Lao động đã có quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp nên nhiều năm liền mức tăng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Năm 2018, mức tăng là 5,3% cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Do vậy, Tổng liên đoàn lao động đề nghị năm 2020 phải tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng để đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu”, ông Quảng cho biết.

Dự đoán về mức lương tối thiểu vùng năm 2020, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và cũng là thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, lương tối thiểu vẫn nên được điều chỉnh theo hướng tăng để tiệm cận với mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 27 của Chính phủ. Mức tăng cụ thể phải trải qua các phiên đàm phán giữa các bên mới có thể xác định.

Dự kiến, vào tháng 7 và tháng 8/2019, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Cùng với khảo sát của cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện cho người lao động (Tổng Liên đoàn lao động) và chủ sủ dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đang có những khảo sát riêng rẽ để có căn cứ dữ liệu cho đợt đàm phàn tăng lương tối thiểu sắp tới.

 

Xuân Cường/Báo Tin tức
Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho 800 thanh niên khó khăn
Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho 800 thanh niên khó khăn

Tổ chức Plan International, trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic, Trung tâm Reach vừa khởi động dự án “Hướng tới tương lai” nhằm thúc đẩy cơ hội lựa chọn học nghề và việc làm của thanh niên, đặc biệt là nữ thanh niên trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN