Những ngày đầu tháng 12/2020, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường dự án sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long ghi nhận hình ảnh các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục cuối cùng của dự án, đảm bảo cán đích đúng mục tiêu đặt ra.
Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, khởi công ngày 16/8/2020, đến ngày 27/9/2020, dự án đã hoàn thành cào bóc, làm sạch mặt cầu. Từ ngày 30/9 đến nay, dự án đã hoàn thành hàn đinh neo, rải cốt thép và đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cho 36 khoang mặt cầu. Công nghệ UHPC có ưu điểm là phù hợp với mặt cầu bản thép như cầu Thăng Long, lớp bê tông thảm có cường độ chịu nén cao, có khả năng uốn dẻo, kéo giãn...
Việc nâng cấp kết cấu mặt cầu Thăng Long được thi công bằng các giải pháp khoa học kỹ thuật mới, có độ bền tốt nhất, đã được thực hiện hiệu quả tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ thiết kế, thi công, đảm bảo lớp bê tông UHPC và bản mặt cầu khi đưa vào khai thác có tuổi thọ lên tới 30 năm. Riêng lớp thảm bê tông nhựa trên cùng của mặt cầu sẽ có tuổi thọ khoảng 10 năm.
Các hạng mục sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long gồm: Cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bê tông UHPC cường độ chịu nén 120MPa, dày tối thiểu 6 cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polymer dày 4 cm. Ngoài ra, dự án cũng sửa chữa các hạng mục khác để đồng bộ với mặt đường xe chạy như thay thế 6 khe co giãn đã bị hư hỏng; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.
Trước đó, mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012-2013 sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ vẫn sửa chữa cục bộ.
Video các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục cuối cùng của dự án:
Video Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng trao đổi về tiến độ, chất lượng dự án:
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành vào tháng 5/1985. Dự án gồm cầu chính vượt sông dài 1.680 m có 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112 m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1 m, rộng 17 m. Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5 m, phần đường ô tô rộng 16,5 m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2 m. Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cấu bằng các nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 33 m/nhịp, có tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (53 nhịp phía Bắc và 63 nhịp phía Nam), tổng chiều dài 3.823 m.