Vượt qua những đe dọa và tác động của hạn hán và xâm nhập mặn nhờ nguồn nước ngọt luôn được đầy đủ, sự thành công của mùa vụ sản xuất đối với nông dân Ngã Năm nói riêng và một phần của huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên nói chung đến từ một công trình ngăn mặn liên vùng mang tên cống Âu thuyền Ninh Quới.
Đây là một công trình lớn, có sức tác động mạnh mẽ, giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha đất trồng lúa, rau màu cho người dân ở cả 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Dự án cống Âu thuyền Ninh Quới được triển khai xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750m. Công trình do Ban quản lý dự án thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án gồm hai phần: sửa chữa cống Ninh Quới (cũ) và xây cống Âu thuyền Ninh Quới với tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng.
Theo thiết kế, công trình có 2 cống hở ở hai đầu và buồng âu thuyền dài 150m; rộng thông nước hơn 31m; cửa van bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Cầu giao thông trên cống gồm một nhịp giữa và 8 nhịp biên, rộng 5,5m. Ngoài ra, còn có các hạng mục nhà quản lý, hệ thống cấp điện vận hành, máy phát điện dự phòng, hệ thống điều khiển, vận hành và quan trắc...
Đây là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời dự án còn nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn mặn giữ ngọt, kết hợp với phát triển giao thông trong vùng.
Ông Phan Văn Trung, Cán bộ Giám sát Ban điều hành dự án cống Âu thuyền Ninh Quới cho biết, mục tiêu chính của dự án là điều tiết và ngăn mặn cho vùng thượng lưu của tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp. Cuối tháng 12/2019, công trình đã hoàn thành toàn bộ việc lắp đặt các cửa van, thiết bị để vận hành tạm thời, đến đầu tháng 1/2020 thì đã bàn giao để đưa vào khai thác tạm thời cho việc ngăn mặn trên tuyến sông Quản lộ Phụng Hiệp này.
Công trình dù mới bắt đầu được vận hành sử dụng nhưng đã góp phần cùng với những công trình khác được xây dựng trong vùng, chủ động điều tiết nước; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu và nuôi tôm của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.
Nhờ công trình, tính hiệu quả trong việc ngăn mặn cho người dân tại vùng trồng lúa ở địa phương vùng trũng Ngã Năm đã được phát huy, khiến cho mùa vụ lúa Đông Xuân trước đây vốn là vụ mùa hồi hộp trong của nông dân Ngã Năm, Thạnh Trị (Sóc Trăng), kể cả nông dân Hậu Giang thì năm nay, họ đã có được một vụ mùa chắc ăn.
Quan trọng hơn là câu chuyện "tranh chấp" mặn-ngọt giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng đã được giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả, giúp cư dân ở hai tỉnh đều có hướng đi trong phát triển kinh tế, gắn với thực tế sản xuất của địa phương mình.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, ông Võ Minh Thắng chia sẻ, tình hình sản xuất năm nay vô cùng thuận lợi khi cống Âu thuyền Ninh Quới đã đi vào vận hành. Năm nay, tình hình xâm nhập mặn trong nội đồng không gay gắt và không gây ảnh hưởng đến các trà lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn thị xã.
Cùng với đó là sự chủ động của chính quyền thị xã khi chỉ đạo ngành nông nghiệp trong việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, để phát huy lợi thế của các tuyến kênh nội đồng trong việc trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu cho nông dân trong mùa vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lưu, nông dân ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3, thị xã Ngã Năm cho biết, năm nay gia đình ông sản xuất hơn 2 ha lúa mà nước mặn không hề xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng nên không có ảnh hưởng gì đến sản xuất của gia đình và các hộ dân trên địa bàn.
Nhờ vậy, mỗi công (1000m2), nông dân thu được hơn 1 tấn lúa. Chưa bao giờ nông dân Ngã Năm có được vụ mùa thuận lợi như năm nay. Lúa vừa thu hoạch xong là thương lái đến thu mua tận ruộng, giá lại cao. Giá lúa thường trung bình hoảng 5.300 đồng/kg. Giá lúa đặc sản ST24 khoảng 7.400 đồng/kg, lợi nhuận thu được từ 20-40 triệu đồng/ha, tùy giống sản xuất.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhận định, cống Âu thuyền Ninh Quới khi đưa vào vận hành khiến ngành nông nghiệp và chính quyền và người dân tỉnh Sóc Trăng vô cùng phấn khởi, bởi đối với vùng trũng Ngã Năm, Thạnh Trị và một phần của huyện Mỹ Xuyên thì mặn vào được nhưng không ra được nên hàng năm cứ đến vụ sản xuất Đông Xuân thì cả chính quyền và người dân phải mất ăn mất ngủ do mặn xâm nhập. Dự án này còn có tác động kép là vừa đảm bảo được việc lấy nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo cho việc nuôi tôm.
Qua thời gian được đưa vào vận hành, hiệu quả từ công trình này đã được kiểm chứng về tính hiệu quả khi vụ sản xuất lúa Đông Xuân của nông dân Ngã Năm không hề bị ảnh hưởng, nông dân trúng mùa, được giá. Nếu như trước đây, vùng trũng Ngã Năm bị mặn của biển Tây xâm nhập vào, gây ảnh hưởng vô cùng lớn thì đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, nhờ cống Âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành, Ngã Năm bây giờ là vùng “sống” lâu nhất nếu diễn ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt.
Từ những hiệu quả trên, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ sắp tới sẽ xây dựng mô hình “3 cây, 1 con” để phát huy hết tính năng của vùng đất trũng Ngã Năm với cây lúa cùng cá phía dưới ao, cây dừa và mãng cầu gai phía trên bờ bao. Như thế, về lâu dài, người dân vùng trũng Ngã Năm sẽ có sự vươn lên nhanh chóng trong phát triển kinh tế.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phong, Cán bộ Trung tâm Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi Bạc Liêu, những năm trước đây, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với vùng giáp ranh 2 tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu là rất mạnh, thậm chí có năm, nước mặn còn xâm nhập mặn cả hàng chục cây số vào trong nội đồng của Ngã Năm.
Khi cống ngăn mặn Âu thuyền Ninh Quới bắt đầu được vận hành thì độ mặn đã được kiểm soát. Độ mặn không còn xâm nhập sâu và làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân sản xuất lúa tại vùng giáp ranh của hai tỉnh nữa. Kể từ lúc vận hành đến nay, độ mặn cao nhất chỉ khoảng 1,5‰ trở lại.
Địa bàn của huyện Hồng Dân Bạc Liêu hiện có hơn 23.000 ha nuôi tôm nên hàng tháng phải 2 lần điều tiết nước và dựa trên lịch điều tiết nước hàng tháng của tỉnh, cống Âu thuyền Ninh Quới được vận hành rất chặt chẽ để làm sao hài hòa được vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu và vùng sản xuất lúa của Sóc Trăng.
Một vụ sản xuất thành công với nông dân Ngã Năm khi các kênh nội đồng đầy ắp nước ngọt. Những khuôn mặt rạng rỡ và hạnh phúc khi mùa thu hoạch "vàng" được nông dân đón chờ từ bấy lâu nay. Giá bán cao, năng suất tăng mạnh, kinh tế được đảm bảo ổn định.
Còn với người nuôi tôm Bạc Liêu, lợi ích của người dân trong việc gắn liền với con tôm cũng không bị ảnh hưởng. Giờ đây, tranh chấp mặn-ngọt đã được giải quyết một cách hiệu quả, để rồi, ai cũng đều làm giàu được trên mảnh đất quê hương, cây lúa và con tôm tiếp tục trụ vững và hài hòa lợi ích cùng người nông dân hai tỉnh Bạc Liêu-Sóc Trăng.