Háo hức mua hàng Tết
Phấn khởi cầm trên tay bộ nồi inox thương hiệu Sun House mua được tại phiên chợ Tết sáng 23 tháng Chạp, bà Nguyễn Thị Hạ (xóm 7, xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết rất tin tưởng vào chất lượng hàng hóa tại đây. Gần đây, bà Hạ mua một chiếc xoong ngoài chợ nhưng hàng chất lượng kém, vừa mới dùng đã bị thủng.
Bà Nguyễn Thị Hạ (xóm 7, xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội) phấn khởi vì mua được hàng Việt Nam với giá cả và chất lượng hợp lý. |
“Hôm nay, thấy siêu thị mở phiên chợ Tết gần nhà nên tôi ra mua bộ xoong inox mới với giá 699.000 đồng. Mức giá này hợp lý, phù hợp với túi tiền của người dân. Tôi rất tin tưởng chất lượng hàng Việt Nam bán tại đây”, bà Hạ nói. Bà Hạ vui vẻ cho biết thêm, mấy ngày nữa các con trên thành phố về quê đón Tết biếu tiền, bà sẽ ra đây mua sắm tiếp.
Phiên chợ Tết tại Mỹ Cầu, Đồng Tân, huyện Ứng Hòa ngoại thành Hà Nội do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức từ ngày 22 đến 26 Tết Bính Thân. Điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết” với rất nhiều sản phẩm truyền thống phục vụ Tết cổ truyền dân tộc như: Bánh chưng, giò chả, rượu vang, vốtca, các sản phẩm bánh mứt kẹo, bia… Đa phần đều là sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết: “Sản phẩm của phiên chợ năm nay phong phú hơn mọi năm. Chúng tôi luôn ưu tiên hàng Việt Nam, đặc biệt là đặc sản truyền thống các vùng miền. Đối với các điểm chợ Tết nội thành, hàng ngoại có thể chiếm 10 - 20% nhưng với các điểm bán hàng ở ngoại thành thì chủ yếu là hàng Việt Nam (chiếm đến 90%)”.
Phiên chợ thu hút rất đông khách hàng từ ngày khai mạc, từ người già đến trẻ nhỏ. Ai cũng phấn khởi, vui mừng vì đã lâu rồi mới có một phiên chợ được mở tại đây. Bình thường, muốn mua hàng hóa chất lượng, người dân phải đến các huyện khác hoặc vào quận Hà Đông do trên địa bàn huyện Ứng Hòa chưa có siêu thị. Nhiều người ở xa cũng đạp xe đến chợ Tết từ rất sớm để mua sắm. Bà Ngô Thị Hiền (63 tuổi tại xã Đồng Tân) cho biết: “Giá hàng tại đây ngang ngoài chợ, một số mặt hàng được khuyến mại, chất lượng đảm bảo nên tôi rất yên tâm”.
Ngoài Ứng Hòa, Tết năm nay, Hapro còn tổ chức 3 điểm bán hàng theo chương trình bán hàng Việt tại các huyện Mỹ Đức, Gia Lâm, Đông Anh. Đây là mô hình được Hapro triển khai từ nhiều năm nay và luôn nhận được phản hồi tích cực từ người dân nông dân bởi đã tạo cho họ cơ hội tiếp cận trực tiếp với hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cơ hội quảng bá hàng Việt
Theo bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ, Việt Nam là nước nông nghiệp nên khu vực nông thôn là thị trường còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng mở rộng thị trường, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, thành phố luôn chú trọng đến khu vực nông thôn và thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia vào các chương trình bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được cả doanh nghiệp và người dân hưởng ứng nhiệt tình vì mang lại lợi ích cho cả hai.
Về lâu dài, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phải nâng cao nhận thức trong việc chọn lựa các sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Phương Lan cho biết, dịp cuối năm 2015, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân như: Tổ chức 370 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp: Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, cụm công nghiệp Minh Khai; tổ chức 30 phiên chợ Việt tại 15 huyện trên địa bàn thành phố…
Dịp Tết này, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Theo định hướng của Sở Công Thương, hầu hết các mặt hàng bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Hàng hóa tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh…
Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hàng Việt Nam đang ngày càng được khách hàng khu vực nông thôn ưa chuộng. Anh Lưu Đức Phương (giáo viên tại huyện Ứng Hòa) nhận xét: “Hàng Việt hiện đã thay đổi mẫu mã rất nhiều. Tuy nhiên, điểm hạn chế là do mạng lưới phân phối chưa rộng khắp nên chưa tiếp cận được người dân. Nhờ có các chuyến hàng Việt về nông thôn nên người dân nông thôn mới được tiếp cận một cách dễ dàng hơn”.
Ông Nguyễn Tiến Vượng cho biết, ngoài phát triển và nâng cao chất lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt, Hapro đã tích cực mở rộng đến thị trường nông thôn. Trong 5 năm qua, tổng công ty đã tổ chức hơn 1.300 chuyến bán hàng tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất và bán hàng chính sách tại các huyện miền núi.
“Gần đây hàng Việt chất lượng ngày càng tốt lên nhưng chưa được quảng bá rộng rãi. Qua những chuyến bán hàng về nông thôn, bà con dần quen với việc sử dụng hàng Việt chất lượng cao. Hàng hóa bán các chợ chưa chắc đã rõ ràng về xuất xứ nên bà con rất mừng”, ông Vượng nói.