Cá ngừ đại dương đông lạnh được bày bán tại chợ ở Tokyo, Nhật Bản ngày 5/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thông báo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Seoul sẽ kháng cáo nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người dân. Bộ này cũng nêu rõ các biện pháp hạn chế nhập khẩu sẽ vẫn được duy trì cho đến khi vụ kiện kết thúc.
Trước đó, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã ra phán quyết có lợi cho phía Nhật Bản trong vụ kiện của Tokyo chống các biện pháp của Hàn Quốc cấm nhập khẩu và yêu cầu kiểm tra bổ sung đối với mặt hàng hải sản của Nhật Bản có nguồn gốc từ 8 tỉnh gần Fukushima, được áp dụng từ sau năm 2013.
Nhật Bản đã chính thức khiếu kiện tại WTO năm 2015, và sau 2 năm xem xét, WTO kết luận rằng các biện pháp của Hàn Quốc áp dụng ngay sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân 2011 là hợp lý, song việc duy trì liên tục các biện pháp này là vi phạm thỏa thuận về vệ sinh và vệ sinh thực vật của WTO. Kết luận này đã được đưa ra từ tháng 10/2017 và được thông báo tới tất cả các thành viên của WTO vào ngày 22/2 vừa qua. Theo quy định của WTO, Hàn Quốc có một khoảng thời gian để kháng cáo.
Sau thảm họa hạt nhân năm 2011, có 46 quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, và cho đến nay 24 quốc gia vẫn duy trì các biện pháp này như Mỹ, Nga, Liban và Argentina. Trong số đó, 9 nước đã quy định cấm nhập khẩu hải sản có nguồn gốc từ các tỉnh gần Fukushima, tuy nhiên Nhật Bản chỉ kiện Hàn Quốc tại WTO.
Từ tháng 3/2011, Nhật Bản đã xuất khẩu tổng cộng hơn 700.000 tấn hải sản sang Hàn Quốc, 0,03% trong số này đã bị Seoul trả lại do không đáp ứng các tiêu chuẩn về nồng độ phóng xạ.