Hải Phòng 'xóa' vùng nuôi ngao tự phát, trả lại ngư trường truyền thống

Từ nhiều năm qua, tại thành phố Hải Phòng vẫn diễn ra tình trạng người dân thường trú trên địa bàn và nhiều hộ dân đến từ các tỉnh lân cận tự ý quây bãi, mở rộng hoạt động nuôi ngao vùng ven biển thuộc khu vực quận Hải An, huyện Kiến Thụy.

Sự tự ý, coi thường pháp luật của các hộ nuôi ngao đã gây nhiều hệ lụy không tốt, đó là chồng lấn giữa các mỏ cát đã được Ủy ban Nhân dân thành phố cấp Giấy phép khai thác và khu vực các hộ dân tự nhận nuôi ngao. Cùng đó là tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển... 

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi đối thoại với 13 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, chiều 26/8. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Nuôi ngao tự phát

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, các hộ dân nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát, ban đầu các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ. Năm 2011, Ủy ban Nhân dân xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy đã triển khai rà soát các hộ nuôi ngao vùng ven biển huyện Kiến Thụy, tại thời điểm này, chỉ có khoảng 32 hộ nuôi ngao với diện tích 147,1 ha/30 chòi trông coi. 

Sau đó, các hộ dân đã tự mở rộng diện tích nuôi, lấn ra phía ngoài biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Hiện nay, có 28 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An với diện tích 726,36 ha; có 89 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn huyện Kiến Thụy với diện tích 2.557,5 ha. Các hộ nuôi ngao tại 2 khu vực trên không chỉ là người dân thường trú trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy mà gồm nhiều hộ dân thường trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…

Qua rà soát của các địa phương cho thấy, tất cả các hộ nuôi ngao trên khu vực biển không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển. Do đó, các hộ dân này đã vi phạm các quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo quy định tại Điều 38, 39 và 44 Luật Thuỷ sản năm 2017 và Điều 37 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ , Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Trước thực trạng này, các địa phương đều đã có văn bản yêu cầu các hộ dân dừng việc nuôi ngao từ trước đây nhiều năm; trong đó, Ủy ban Nhân dân huyện Kiến Thụy đã có Thông báo số 282/TB-UBND ngày 16/12/2011, chỉ cho phép các hộ tiếp tục nuôi thả trên diện tích cũ tại khu vực trên đến hết vụ nuôi, nghiêm cấm việc tự ý cắm thêm lưới cây và thả thêm giống. Đến ngày 18/8/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Kiến Thụy tiếp tục ban hành Công văn số 1295/UBND-NN yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả mới ngao tại bãi triều ven biển xã Đại Hợp. Tuy nhiên, các hộ dân không chấp hành mà tiếp tục tự ý quây bãi, mở rộng hoạt động nuôi ngao.

Nhiều hệ lụy

Việc tự ý quây bãi, mở rộng hoạt động nuôi ngao của các hộ dân không những làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cấp Giấy phép khai thác theo đúng quy định mà còn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.

Quá trình các hộ dân tự ý quây bãi để nuôi ngao tự phát tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thụy đã làm phát sinh những tranh chấp như: giữa các ngư dân khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên tại ngư trường truyền thống với những người dân tự ý cắm cọc, quây bãi nuôi ngao; giữa các chủ bãi nuôi ngao với nhau do tranh chấp diện tích nuôi; giữa người dân tự nhận nuôi ngao với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cát để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Các mâu thuẫn, tranh chấp trên có nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực, làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng và hình ảnh của người dân quận Hải An, huyện Kiến Thụy. Ngoài ra, việc nuôi ngao không phép tại một số nơi đã làm cản trở việc đi lại của các tàu thuyền và khảo sát, thăm dò, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Điển hình một số vụ việc đã được báo chí đăng tải thời gian qua; trong đó nêu các vụ việc xô xát, đâm chém xảy ra tại các bãi nuôi ngao tại huyện Kiến Thụy, nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngư dân khai thác ngao tự nhiên với các hộ nuôi ngao tự phát... Từ năm 2015 đến tháng 9 năm 2021, Công an thành phố Hải Phòng đã xử lý 9 vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các bãi ngao.

Bên cạnh đó, việc tự ý thành lập các hội nhóm nuôi ngao, thường xuyên tụ tập đông người đi đến các cơ quan Trung ương và thành phố để khiếu nại, kiến nghị, nhằm gây áp lực với chính quyền trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự. 

Nhiều dự án thành phố đã chấp thuận đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, đê biển và các dự án khai thác cát để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhưng không thực hiện được do có sự ngăn cản trái phép của một số hộ dân nuôi ngao tự phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố (nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài) và nhu cầu cát phục vụ cho các dự án phát triển thành phố.

Có thể nói, tình hình an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển có liên quan đến hoạt động nuôi ngao tự phát của các hộ dân luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đòi hỏi chính quyền thành phố Hải Phòng và các địa phương cần phải khẩn trương vào cuộc để đảm bảo ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất trên vùng biển thành phố. 

Kiên quyết xử lý sai phạm

Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biển do thành phố quản lý, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân quận Hải An và huyện Kiến Thụy thiết lập các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng đã trực tiếp kiểm tra tại thực địa, tổ chức nhiều buổi đối thoại, làm việc với các hộ dân nuôi ngao; đồng thời chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nuôi ngao không phép và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc trả lại phần diện tích đất sử dụng không phù hợp.

Đến nay, tại quận Hải An đã cưỡng chế di dời các công trình vi phạm trong 161 ha tại Khu công nghiệp DeepC 2A, đã có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời, còn lại 13 hộ dân, thành phố đang chỉ đạo Ủy ban Nhân dân quận Hải An thực hiện cưỡng chế.

Trước khi cưỡng chế, ngày 26/8/2022, Ủy ban Nhân dân quận Hải An đã tổ chức đối thoại với 13 hộ dân này. Tuy nhiên, các hộ dân không đến đối thoại, Ủy ban Nhân dân quận Hải An đã lập biên bản ghi nhận sự việc và tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức cưỡng chế theo quy định. Thời gian cưỡng chế dự kiến từ ngày 8-10/9/2022.

Ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hải An chỉ đạo các phòng, ban của quận tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình ở các hộ dân nuôi ngao, đặc biệt là 13 hộ, đề nghị Đồn Biên phòng Tràng Cát nắm và quản lý khu vực tại các chòi canh, bảo vệ, gìn giữ các phao đã thả khoanh vùng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ an ninh trên biển, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác nhưng không ảnh hưởng đến các chòi, phao đã dựng.

Chia sẻ cảm nhận của mình khi thành phố, quận Hải An thực hiện việc xử lý các trường hợp nuôi ngao tự phát, ông Trịnh Xuân Vui, người dân phường Đông Hải 2 cho biết: "Ngoài việc gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng việc khai thác thủy sản thuộc ngư trường truyền thống của người dân địa phương, những người nuôi ngao tự phát còn giữ không cho người dân địa phương vào khai thác tại các bãi thả nuôi ngao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân... Qua việc tuyên truyền, vận động của thành phố cũng như của quận, phường đã nhiều lần gặp gỡ các chủ nuôi ngao, tôi nghĩ đây là cách làm rất nhân văn, tạo sự đồng thuận của nhiều hộ dân. Điển hình là đã có 15 hộ dân tự nguyện xin tháo dỡ chòi canh trả lại mặt bằng cho thành phố. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo quận, phường cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động để các hộ dân còn lại nhận thức được hành vi vi phạm, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tự giác di dời, tháo dỡ công trình, di chuyển tài sản, vật nuôi (ngao) trên diện tích mặt nước vi phạm".

Quan điểm nhất quán của thành phố Hải Phòng, phải xử lý dứt điểm tình trạng của 13 hộ nuôi ngao không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định trên địa bàn quận nhằm lập lại trật tự an ninh trên biển, trả lại ngư trường truyền thống cho ngư dân các phường Tràng Cát, Nam Hải, Đông Hải 2.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo quận Hải An và huyện Kiến Thụy thực hiện việc di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao trái phép ra khỏi khu vực các mỏ cát đã được Ủy ban Nhân dân thành phố cấp phép, cho thuê theo quy định; khu vực xung quanh khu vực mỏ cát và khu vực chuẩn bị xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ (dự kiến khởi công vào tháng 10 năm 2022).

Các địa phương hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không phép theo đúng quy định pháp luật; buộc di dời, tháo dỡ công trình trong khu vực vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trường hợp các hộ dân không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trường hợp không đồng ý với các Quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hải An, huyện Kiến Thụy và các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố, các hộ dân có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Hồng Minh (TTXVN)
Hải Phòng: Xử lý dứt điểm 13 hộ nuôi ngao trên biển không được cấp phép
Hải Phòng: Xử lý dứt điểm 13 hộ nuôi ngao trên biển không được cấp phép

Chiều 26/8, Ủy ban nhân dân quận Hải An tổ chức đối thoại với 13 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN