Vì vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu ngao Thái Bình luôn là mục tiêu quan trọng đối với ngành nông nghiệp, thủy sản địa phương nhất là khi sản lượng ngao nuôi của tỉnh lớn nhất cả nước.
Thái Bình có 5 cửa sông lớn gồm sông Thái Bình, sông Diêm Hộ, Trà Lý, Lân, Ba Lạt. Điều kiện tự nhiên này đã tạo nên vùng triều rộng khoảng 25.000 ha; trong đó vùng cao, vùng triều 7.000 ha; vùng hạ triều 18.000 ha, thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ. Với lợi thế đó, tỉnh Thái Bình đã sớm phát triển nghề nuôi ngao mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho người dân.
Xã Đông Minh (huyện Tiền Hải) có 285 hộ nuôi ngao với tổng diện tích gần 450 ha. Nghề nuôi ngao đã giúp cuộc sống của nông dân ở đây thay đổi. Bà Phạm Thị Giang, thôn 5, xã Đông Minh đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi ngao. Bà cho biết, với 1,2 ha diện tích nuôi ngao, nếu thuận lợi trung bình mỗi năm gia đình bà thu được khoảng 300 – 350 triệu đồng/ha. Vài năm trở lại đây, bà Giang cũng như nhiều người dân xã Đông Minh mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi ngao thương phẩm sang ương nuôi ngao giống, thời gian thả ít hơn, thu hồi vốn nhanh hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, đối với phát triển thủy sản tỉnh Thái Bình, ngao được xác định là đối tượng phát triển chủ lực. Tỉnh đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi và phát triển ổn định cả về sản lượng và diện tích từ năm 2010 đến nay. Tổng diện tích nuôi ngao của tỉnh hiện nay đạt 3.169 ha; trong đó, huyện Tiền Hải có 1.869 ha, tập trung tại 3 xã Nam Thịnh, Đông Minh, Đông Hoàng; huyện Thái Thụy có 1.300 ha, tập trung tại các xã Thái Đô, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Thượng.
Sản lượng ngao nuôi liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây từ 30,1 nghìn tấn năm 2010 lên 110,3 nghìn tấn năm 2019, đạt tốc độ tăng bình quân 23,3%/năm. Năm 2020 tổng sản lượng ngao nuôi của tỉnh đạt 114,9 nghìn tấn (tăng 6,3% so với năm 2019). Hiện nay, Thái Bình là tỉnh có sản lượng ngao nuôi lớn nhất cả nước với khoảng 44,5%.
Tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi ngao của Thái Bình là rất lớn, tuy vậy thị trường tiêu thụ cũng như số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia vào chuỗi phát triển con ngao lại rất hạn chế. Năm 2003, ngao Thái Bình đã được xác nhận nhãn hiệu.
Hiện nay, ngao Thái Bình có sản phẩm nguyên con hút chân không và nguyên con hấp hút chân không, thị trường chính là phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh và chỉ có khoảng 8.000 tấn/năm được xuất khẩu sang thị trường EU. Trên địa bàn chỉ có duy nhất Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghêu Thái Bình đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước EU nhưng cũng chỉ đáp ứng tiêu thụ một phần rất nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, sản lượng xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng, số lượng các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu thông qua thương lái nên giá cả không ổn định. Đây là con số còn rất khiêm tốn so với năng lực sản xuất của địa phương.
Ngoài ra, nghề nuôi ngao tại Thái Bình hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như biến đổi khí hậu khiến độ mặn trong nước biển tăng dẫn đến ngao chết nhiều, thất thoát ngao ra khỏi vùng nuôi do bão và nước triều dâng. Một số vùng nuôi với mật độ quá dày dẫn đến chất lượng ngao không đảm bảo. Thiếu con giống chất lượng do nguồn giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, còn lại nông dân chủ yếu mua từ địa phương khác, khai thác tự nhiên hoặc nhập từ Trung Quốc.
Nhằm gia tăng giá trị lợi ích từ nghề nuôi ngao, khẳng định thương hiệu “Ngao Thái Bình” và hướng đến thị trường xuất khẩu, tỉnh Thái Bình thực hiện giám sát chặt chẽ từ con giống, nguồn nước nuôi đến chất lượng sản phẩm. Trong lộ trình đó, tỉnh Thái Bình dự kiến đầu tư 203 tỷ đồng thực hiện Đề án phát triển sản xuất ngao giống giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến năm 2025 nhằm tạo ra con giống chất lượng cao, có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh, từ đó nâng cao hiệu quả nuôi ngao thương phẩm, gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn toàn chủ động được nguồn ngao giống.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, định hướng của tỉnh trong phát triển ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi ngao nói riêng là đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, chế biến theo hướng hiệu quả, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến như sản phẩm làm sẵn, ăn liền.
Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Hướng tới thị trường xuất khẩu với yêu cầu của mỗi quốc gia khác nhau, tỉnh Thái Bình chú trọng phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất đảm bảo con giống đầu vào đến sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Nga, để duy trì những liên kết này, doanh nghiệp và người sản xuất cần có thỏa thuận từ ban đầu để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Nếu có những thỏa thuận, tiêu chuẩn từ trước khi sản xuất, người nuôi ngao của tỉnh Thái Bình sẽ đáp ứng tốt được các yêu cầu sản xuất bởi nuôi ngao là nghề tự nhiên, người nuôi chỉ tham gia tác động vào các yếu tố thời vụ thả, chất lượng nguồn giống và kiểm soát nguồn nước nuôi.