Theo đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dịch vụ logistics với tổng diện tích kho, bãi trên địa bàn thành phố đạt khoảng 701,14ha, hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho, bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác...
Hải Phòng hiện có 4 địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS), 14 địa điểm kiểm tra tập trung có CFS và 18 kho ngoại quan, phần lớn tập trung trên địa bàn quận Hải An và Ngô Quyền; có 3 trung tâm logistics, gồm 2 trung tâm đã hoạt động là trung tâm logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (Khu công nghiệp Đình Vũ ) và 1 trung tâm logistics đang xây dựng là trung tâm CDC (Khu công nghiệp Đình Vũ 2).
Hệ thống các kho ngoại quan, cảng, cấp đông, xăng dầu có tổng diện tích khoảng 4 triệu m2 được các đơn vị thường xuyên nâng cấp. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của thành phố hiện nay và những năm tới, hệ thống kho, bãi này chưa đáp ứng yêu cầu. Kho, bãi nhìn chung còn nhỏ hẹp, chất lượng dịch vụ thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và không phù hợp với yêu cầu xếp dỡ hàng hóa nhanh...
Logistics vận tải là loại hình chủ yếu tại Hải Phòng, doanh nghiệp logistics chủ yếu hoạt động trên đường bộ và vận chuyển bằng xe container. Số lượng đoàn phương tiện xe container gia tăng nhanh, với khoảng 1.300 phương tiện, gây nên tình trạng quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ.
Các dịch vụ của loại hình logistics vận tải hàng hóa chủ yếu gồm nhiều hình thức như: dịch giao nhận hàng hóa từ kho đến kho, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, giao nhanh chứng từ, hàng hoá mẫu qua hệ thống DHL, FedEX; tư vấn, môi giới bảo hiểm hàng hóa; nhận ủy thác xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa và vận chuyển hàng hóa nội địa bằng xe tải nhẹ, xe container.
Mạng lưới hoạt động chủ yếu đi, đến các cảng biển theo các hành lang Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai, Hải Phòng-Hà Nội-Lạng Sơn, Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực này. Hầu hết các doanh nghiệp đóng vai trò cung ứng một số dịch đơn giản cho các công ty logistics nước ngoài như: làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa (chủ yếu bằng đường bộ), cho thuê kho bãi...
Hiện có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Hải Phòng như: DHL, UPS, FedEx ,.. chiếm tới 70-80% thị phần logistics. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài...
Cũng theo đề án, tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025 là 16-18%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 17%/năm. Dịch vụ logistics gắn liền cả quá trình nhập nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, sản xuất ra hàng hóa và đưa vào các kênh lưu thông, phân phối để đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain) như: cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế...
Từ thực tế này, định hướng chung cho Hải Phòng là trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực, từng bước hình thành các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cảng biển với chất lượng cao; đủ năng lực từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài.
Phát triển mạng lưới trung tâm logistics đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối ưu hóa chi phí và tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Cùng đó, từng bước triển khai mô hình 4PL và 5PL trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng bao gồm 1 Trung tâm logistics cấp Vùng và các Trung tâm logistics cấp tỉnh với chức năng phụ trợ cho Trung tâm logistics cấp Vùng.
Trung tâm logistics cấp Vùng sẽ đảm nhận chức năng là trung tâm dịch vụ vận tải, phân phối hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng; đảm bảo khả năng kết hợp chặt chẽ với hoạt động khai thác của cảng Hải Phòng, đặc biệt là khu bến Lạch Huyện nhằm kết nối từ 2 phương thức vận tải trở lên đến trung tâm.
Vị trí Trung tâm logistics cấp Vùng dự kiến bố trí tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với khả năng kết nối với mạng giao thông quốc gia bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Trung tâm logistics cấp tỉnh đảm nhận chức năng phụ trợ cho Trung tâm logistics cấp Vùng trong hoạt động phân phối hàng hóa trên các hướng hành lang vận tải chính yếu; ưu tiên lựa chọn vị trí tại các đầu mối giao thông và có khả năng kết nối bằng nhiều phương thức vận tải.
Dự kiến bố trí 4 Trung tâm logistics vệ tinh gồm: Trung tâm logistics Lạch Huyện, quy mô khoảng 16,5 ha tại khu vực bến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Trung tâm logistics VSIP, quy mô khoảng 10 ha tại Khu công nghiệp VSIP; Trung tâm logistics Tràng Duệ, quy mô khoảng 30 ha tại Khu công nghiệp Tràng Duệ; Trung tâm logistics Tiên Lãng, quy mô khoảng 10 ha tại khu vực xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng.