Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Mỗi năm, các cảng biển tại EU xử lý khoảng 4 tỷ tấn hàng hóa; trong đó, lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics, kho bãi 11%, các dịch vụ logistics khác 43%.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia thương mại, EVFTA thực thi có cơ hội gia tăng quy mô thị trường xuất nhập khẩu, kéo theo nhu cầu lớn đối với hoạt động logistics.
Không những thế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.
Ở chiều ngược lại, dự kiến, tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp, thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.
Ngoài ra, cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước có thể mua những sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý; tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.
Cùng đó là cơ hội thu hút đầu tư từ EU, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với EU.
Mặt khác là việc tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU khi EU mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức từ các doanh nghiệp logistics EU.
Bởi theo các chuyên gia thương mại, EU vốn rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Đức đứng vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong Top 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ), chiếm 14 trong top 20 vị trí đầu bảng.
Thống kê cho thấy, đang có nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và sức cạnh tranh sẽ mạnh hơn sau khi EVFTA đi vào thực thi.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cạnh tranh được dự báo sẽ chỉ gia tăng chủ yếu các lĩnh vực dịch vụ logistics mới mở cửa thêm, còn với các lĩnh vực đã mở theo WTO, cạnh tranh có thể gia tăng nhưng không đáng kể.
Các chuyên gia cũng chỉ ra khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics Việt Nam không lớn do thị trường EU đã có sẵn các đối thủ mạnh, khách hàng EU có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp.
Hơn nữa, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu vốn, tư duy công nghệ chưa được đầu tư bài bản, chất lượng dịch vụ chưa đạt.
Trong khi đó, với khách hàng dịch vụ logistics, cần chất lượng, tin cậy và chuỗi cung ứng ổn định, có thể điều khiển được, giá chỉ là một phần. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, theo các chuyên gia cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý logistics phù hợp xu thế phát triển hiện nay của Việt Nam.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, điện tử hóa khai hải quan, ứng dụng thương mại điện tử… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics giảm thiểu chi phí.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quản lý nhà nước về logistics của Ủy ban Điều phối quốc gia về một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).
Đặc biệt, khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển và các chính sách hỗ trợ cho ngành logistics; ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của ngành logistics.
Hơn nữa, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chia sẻ lợi thế nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh.