Theo các nhà thầu thi công, vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) và khan hiếm vật liệu xây dựng đang ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án và cần sự hỗ trợ tháo gỡ của các bộ, ngành, địa phương liên quan để đảm bảo tiến độ mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2199/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2018, có điểm đầu tại KM101+126 khớp nối với cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; điểm cuối tại Km107+740 khớp nối với cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. Dự án dài 6,61 km, trong đó cầu chính dài 1,906 km; đường dẫn và cầu chính trên tuyến dài 4,704 km, là công trình đường bộ cấp đặc biệt của ngành GTVT.
Ngày đầu tháng 4/2021, dưới nắng nóng 37 độ C, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường ghi nhận hình ảnh thi công sôi động của các nhà thầu, tư vấn, giám sát, công nhân, người lao động của các gói thầu dự án để đảm bảo tiến độ.
Video phóng viên báo Tin tức ghi tại hiện trường:
Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, đến nay đã triển khai đồng loạt 4 gói thầu, riêng gói XL03B (phần thân, trụ tháp và dây văng) sẽ triển khai từ tháng 10/2021. Gói thầu XL01 thi công đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang, được triển khai từ tháng 3/2020, dự kiến hoàn thành tháng 3/2022.
Đây là gói thầu thi công trước nên khối lượng đạt lớn nhất 42%. Gói thầu XL02, XL04 thi công đường dẫn phía tỉnh Vĩnh Long, mặc dù triển khai sau, nhưng tiến độ đến nay được đánh giá tốt nhất khi vượt 8,4% so với kế hoạch, sản lượng đạt 25%. Gói thầu XL03A mới triển khai từ tháng 9/2020, đang khoan cọc nhồi thí nghiệm trụ T15, T16 ở 2 bờ Tiền Giang, Vĩnh Long.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Bộ GTVT - đơn vị chủ đầu tư) và các nhà thầu thi công, các gói thầu đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ đặt ra do vướng GPMB và khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng. Mặc dù tiến độ toàn dự án vẫn được kiểm soát chặt, công tác GPMB đã chi trả bồi thường, bàn giao 98%, nhưng vẫn còn 12 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 11 hộ thuộc phạm vi xử lý nền đất yếu, bù lún của các gói thầu XL01, XL02 và công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư (phía tỉnh Tiền Giang) chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, nguồn cung vật liệu đang khan hiếm, đội giá tại các địa phương cũng ảnh hưởng đến tiến độ.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội, Chính phủ giám sát chặt chẽ công tác GPMB và nguồn cung vật liệu. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề nghị 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long sớm hỗ trợ giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, GPMB, siết chặt quản lý giá vật liệu để các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công, cũng như sớm hoàn thành khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc dự án cho biết, đây là dự án đặc biệt với nhịp cầu chính dây văng dài nhất từ trước đến nay do các kỹ sư, nhà thầu trong nước thi công. Ngoài ra, các cọc trụ cầu dài tới 150m, tĩnh không đạt 50m, nhịp dây văng lớn hơn cả cầu Bạch Đằng, Hải Phòng - từng là những biểu tượng của các kỹ sư Việt.
Ban Quản lý dự án giao thông 7 tự hào, vinh dự được thi công dự án này. Vì vậy, việc đảm bảo tiến độ thi công cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa đặc biệt, nhất là khi cán đích vào năm 2023 sẽ kết nối xuyên suốt với 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.
Hy vọng, những vướng mắc của dự án hiện nay sẽ sớm được tháo gỡ, để dự án trọng điểm, có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng này cán đích đúng hẹn theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra, đáp ứng nguyện vọng của người dân các địa phương và giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện nay; đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế cho đồng bằng sông Cửu Long.